Những ngày này, trên các cánh đồng ở huyện Phú Bình, bà con nông dân đang tập trung sản xuất vụ đông. Theo kế hoạch, trong vụ này, toàn huyện gieo trồng trên 2.800ha cây màu, trong đó có hơn 1.300ha ngô, 650ha khoai lang và 800ha rau các loại.
Đến xã Nhã Lộng, chúng tôi cảm nhận rõ không khí lao động hăng say của bà con nông dân. Người làm đất, cày ải, người tra hạt, dọn cỏ, tưới nước, bón phân cho các loại cây trồng. Chị Hoàng Thị Quế, ở xóm Náng, chia sẻ: Thu hoạch lúa mùa xong, bà con khẩn trương gieo trồng các loại cây màu cho kịp thời vụ. Nhà tôi cũng đã làm đất, lên luống, gieo hạt. Mùa nào thức nấy, ngoài việc trồng các loại rau gia vị(như hành, húng, rau thơm, vụ đông năm nay, tôi còn trồng thêm cà chua, bắp cải, su hào. Việc trồng xen canh, gối vụ, đa dạng các loại rau màu giúp gia đình có thu nhập ổn định hơn...
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng cho biết: Vụ đông năm nay, xã phấn đấu gieo trồng trên 230ha cây màu, trong đó có 85ha ngô, 20ha khoai lang, 95ha rau màu. Vụ này, bà con nông dân chủ động giảm dần diện tích ngô và tăng diện tích trồng rau màu lên 20ha so với cùng kỳ năm trước, bởi các loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Để triển khai thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ đông, từ đầu tháng 8, xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vụ đông; cử cán bộ khuyến nông xã trực tiếp theo dõi, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, làm tốt từ khâu xử lý đất, vệ sinh đồng ruộng. Vì vậy, hiện nay, cây trồng phát triển tốt, không có sâu bệnh.
Không chỉ ở Nhã Lộng, bà con nông dân ở các xã, thị trấn khác trong huyện cũng đã tranh thủ thời tiết thuận lợi xuống giống cho kịp khung thời vụ. Chị Trần Thị Nhàn, xóm Ngò Thái, xã Tân Đức chia sẻ: Trước kia, 5 sào ruộng nhà tôi thường cấy lúa mùa muộn nên khi thu hoạch lúa xong, trồng cây vụ đông rất cập rập. Mấy năm gần đây, tôi đã chuyển sang gieo cấy lúa mùa sớm, giúp giải phóng đất, kéo dài khung thời vụ sản xuất vụ đông. Hiện nay, tôi đã trồng xong 1 sào ngô ngọt, chuẩn bị trồng 1 sào ớt và 3 sào bí đỏ. Đây đều là những loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn cây lúa, vài năm gần đây, người dân trong xã tích cực, mạnh dạn đưa vào trồng. Trung bình, với giá bán từ 10.000 đến 16.000 đồng/kg, 1 sào ớt, chúng tôi thu lãi gấp 4-6 lần so với trồng lúa. Vì thế, chúng tôi luôn quan tâm đầu tư sản xuất vụ đông.
Được biết, vụ đông này, huyện Phú Bình có kế hoạch gieo trồng trên 2.800ha cây màu, trong đó có hơn 1.300ha ngô, 650ha khoai lang và 800ha rau các loại. Đến nay, bà con đã gieo trồng cây ngô đạt gần 90% diện tích; cây rau đạt 80%; các cây trồng khác như: khoai lang, lạc, đậu tương cơ bản đã trồng hết diện tích theo kế hoạch. Hiện nay, các loại cây trồng đang sinh trường, phát triển tốt.
Theo ông Lê Xuân Bẩy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, sản xuất cây vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính của huyện trong nhiều năm qua. Do vậy, các ngành chức năng của huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí cơ cấu lúa mùa sớm, mùa trung trong khung thời vụ tốt nhất (chiếm khoảng 70% tổng diện tích lúa mùa), tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất cây trồng vụ đông. Sau khi thu hoạch lúa xong tới đâu, bà con khẩn trương làm đất gieo trồng cây vụ đông đến đó. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các địa phương quy hoạch vùng và bố trí cơ cấu giống phù hợp, khuyến khích bà con ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào canh tác, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: dưa chuột, ớt, bí đỏ, bí xanh... tận dụng tối đa diện tích đất đồi thấp, đất vườn, ven sông để gieo trồng. Đồng thời, mở rộng diện tích cây trồng có khung thời vụ dài như: bắp cải, su hào, bầu, bí... nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Song song với việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện Phú Bình chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra đối với lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phối hợp cung ứng phân bón trả chậm cho bà con. Để hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông đã đề ra, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương thường xuyên thăm đồng, làm tốt công tác dự tính, dự báo, phát hiện sâu bệnh, cải tạo, khơi thông kênh mương, chủ động tích trữ nước phục vụ sản xuất...