Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Hiệu quả từ một mô hình

10:15, 23/10/2017

Với mục đích xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để chuyển giao cho bà con nông dân và từng bước mở rộng, vụ mùa năm nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh đã triển khai mô hình trồng dưa vân lưới trong nhà màng tại các huyện Định Hóa, Phú Lương. Từ thực tế cho thấy mô hình này đạt kết quả tốt và có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết: Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định triển khai thực hiện mô hình trên diện tích gần 1.100m2. Theo đó, có 3 hộ nông dân tiêu biểu, ham học hỏi, đi đầu trong phát triển kinh tế tại các địa phương là bà Lưu Thị Thêm, ở xóm Làng Mới, xã Bảo Cường (Định Hóa); ông Ma Văn Hải, ở xóm Ao Sen, xã Động Đạt và ông Nguyễn Văn Hòa, ở xóm Bò 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương) được Chi cục lựa chọn tham gia mô hình. Các hộ được Nhà nước hỗ trợ 60% giá giống (giống dưa Chu Phấn của Công ty Giống cây trồng Nông Hữu), 40% nhà lưới, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được hướng dẫn kỹ thuật từ khi trồng đến lúc thu hoạch sản phẩm.

Quá trình triển khai mô hình, các hộ cũng gặp nhiều khó khăn do trong vụ mùa năm nay, đầu vụ thời tiết nắng nóng, giữa vụ lại có các cơn bão kèm theo mưa to kéo dài gây ngập úng, ảnh hưởng đến việc trồng, chăm sóc và năng suất của các vườn dưa. Thậm chí tại vườn dưa của gia đình bà Lưu Thị Thêm ở xóm Làng Mới, xã Bảo Cường (Định Hóa) đã có nhiều cây bị chết, còn tại hai gia đình ở các xã Phấn Mễ và Động Đạt (Phú Lương) cũng bị rách mái vườn. Tuy nhiên, nhờ có sự hướng dẫn kỹ thuật kịp thời của các cán bộ Chi cục TT&BVTV tỉnh và đơn vị cung ứng giống dưa, sự nỗ lực của các hộ tham gia, đến nay, diện tích dưa xuống giống từ ngày 4-8-2017 đã được thu hoạch; còn diện tích dưa xuống giống ngày 1-9 đang phát triển tốt. Qua triển khai mô hình cho thấy, giống dưa này có ưu điểm là thời gian sinh trưởng, phát triển chỉ kéo dài từ 80 đến 90 ngày là được thu hoạch; khả năng chống chịu bệnh khá. Với năng suất lên đến 1.080kg/sào, giá bán 30.000 đồng/kg, mỗi sào dưa cho thu 32,4 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động… mỗi sào dưa vân lưới trong nhà màng cho thu lãi trên 18 triệu đồng, cao gấp khoảng 40 lần so với trồng lúa. Điều đáng nói là đầu ra của loại dưa này rất thuận lợi. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, xóm Bò 1, xã Phấn Mễ, hiện nay, sản phẩm dưa đã có đơn đạt hàng thu mua với những quả đạt tiêu chuẩn từ 1,5kg/quả trở lên...

Với đầu ra của sản phẩm ổn định và kinh nghiệm tích lũy được trong vụ dưa vừa qua sẽ là động lực để các hộ dân tiếp tục đầu tư thực hiện mô hình này trong những vụ tiếp theo. Ông Nguyễn Tá, Chi cục phó Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Mặc dù quy mô của mô hình không lớn nhưng việc ứng dụng công nghệ cao vào việc trồng dưa vân lưới trong nhà màng đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với cấy lúa. Đặc biệt, mô hình đạt được mục đích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân. Sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tạo ra hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù đã đạt được kết quả tốt nhưng do vốn đầu tư ban đầu cho công nghệ cao lớn, khó áp dụng cho hộ thiếu vốn nên để mô hình tiếp tục được duy trì và nhân rộng trên địa bàn tỉnh, rất cần sự quan tâm hơn nữa của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới, nhất là sự hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, các địa phương nên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn mở rộng diện tích ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào việc trồng dưa vân lưới trong nhà màng để cải thiện môi trường và nâng cao đời sống nhân dân. Về phía các hộ dân, không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà cần mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đang bước vào giai đoạn đầu tiên đầy khó khăn. Do đó, việc thực hiện thành công mô hình trồng dưa vân lưới trong nhà màng không chỉ đạt mục tiêu mà Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực tỉnh đề ra mà nó còn tạo động lực, góp phần khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (trồng rau xanh, trồng chè…) trên địa bàn tỉnh hình thành, phát triển...