Tập trung phòng trừ rầy nâu cuối vụ

10:18, 04/10/2017

Hiện nay, lúa mùa trung đang trong giai đoạn chín sáp chuẩn bị cho thu hoạch, lúa mùa muộn đang trỗ bông - phơi mầu - chín sữa. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết mưa nắng xen kẽ, nóng ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt là rầy nâu đã xuất hiện trên diện rộng với mật độ ngày càng tăng nhanh.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có trên 4.000ha lúa mùa trung và mùa muộn bị nhiễm rầy nâu với mật độ trung bình 500 - 1.000 con/m2, nơi cao 2.000 - 5.000 con/m2, cá biệt có nơi trên 10.000 con/m2. Các địa phương có diện tích nhiễm rầy nâu lớn gồm: Phú Bình, Võ Nhai, T.X Phổ Yên và T.P Sông Công…

Để hạn chế thiệt hại do rầy gây ra, hiện nay, Chi cục Trồng trọt và  Bảo vệ thực vật đang yêu cầu Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chủ động hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Cụ thể, khi ruộng có mật độ rầy trên 2.000 con/m2(50 con/khóm lúa) sử dụng một trong các loại thuốc có trong danh mục đăng ký trừ rầy trên lúa để phun trừ như: Admire 050 EC; Actara 25WG, Chess 50WG, Sutin 5EC, Butyl 400SC, Victory 585EC, Bassa 50EC, Dragoannong 585EC, Sairifos 585EC… Bà con nông dân lưu ý, khi sử dụng các loại thuốc tiếp xúc cần phải rẽ lúa thành băng, mỗi băng từ 0,5 - 0,6m và phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy tập trung gây hại, sau khi phun 2-3 ngày cần kiểm tra lại. Riêng đối với những diện tích sắp được thu hoạch, nếu mật độ rầy tăng cao và phát triển nhanh nên áp dụng biện pháp gặt chạy, tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cần thiết.