T.P Sông Công hiện có 583ha trà lúa mùa muộn. Thời điểm này, lúa mùa muộn đang trong giai đoạn làm đòng - trỗ bông - phơi màu - chín sữa. Tuy nhiên, thời tiết mưa nắng xen kẽ, nhiệt độ thay đổi thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt là rầy nâu đã xuất hiện trên diện rộng với mật độ ngày càng tăng.
Trong tổng số 583ha lúa mùa muộn của thành phố thì có đến 150ha đã bị nhiễm rầy nâu với mật độ trung bình 800 con/m2, nơi cao là 2.500 con/m2, cục bộ có nơi 5.000 con/m2, cá biệt có nơi trên 10.000 con/m2. Các địa phương có diện tích nhiễm rầy nâu lớn gồm: Bá Xuyên, Tân Quang, Bách Quang, Bình Sơn, Lương Sơn. Điển hình một số xóm bị nhiễm nặng như: Bá Vân 1, Bá Vân 3, Bá Vân 4, Bá Vân 5 và Xuân Đãng 1 (xã Bình Sơn) đã có khoảng 20ha lúa bị ảnh hưởng. Trong đó, xóm Bá Vân 1 có diện tích bị nhiễm nặng với 5.000 con/m2. Ở tổ dân phố Nha Hoàng (phường Lương Sơn) rầy nâu đã làm cháy trắng 0,3ha lúa mùa.
Hiện, rầy nâu và rầy lưng trắng xuất hiện chủ yếu trên các giống lúa: U17, BTE1... (vì đây là những giống lúa có bộ lá tốt, nếu chỉ phun trên bề mặt lá sẽ không xử lý triệt để được rầy gây hại). Nếu không trừ rầy tốt sẽ làm cây lúa bị vàng khi trỗ nghẹn đòng, đồng thời rầy sẽ tích lũy nhân đàn và khả năng gây cháy lúa rất cao từ ngày 13-10 trở đi.
Để hạn chế thiệt hại do rầy nâu gây ra, T.P Sông Công đã yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường phân công Ban chỉ đạo sản xuất phụ trách từng địa bàn, xóm, tổ dân phố vận động nhân dân thăm đồng thường xuyên, tiến hành ngay việc kiểm tra và phun thuốc trên trà lúa mùa muộn bị nhiễm rầy theo khuyến cáo của cơ quan chức năng…