“Vua ong” của đất Phúc Thuận

11:27, 19/10/2017

27 năm đầu tư nuôi ong lấy mật, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Tơ, xóm 6, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) được bà con đặt cho danh hiệu vua ong. Nuôi ong lấy mật không chỉ mang lại niềm vui của tuổi già mà còn giúp ông có nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Tơ cho biết: Sau khi trở về từ chiến trường Tây Bắc (1975-1989), tôi nhận thấy ưu điểm của nghề nuôi ong là chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều công chăm sóc, nguồn thức ăn của ong lại tận dụng được từ tự nhiên nên tôi đã ấp ủ dự định nuôi ong lấy mật.

Năm 1994, ông bàn bạc với gia đình dồn vốn mua đàn ong đầu tiên về chăm sóc và nhân giống. Do chưa có kinh nghiệm, nên đàn ong của ông bị thiệt hại khá nhiều. Trong quá trình chăm sóc ong bỏ đàn đi nhiều, hoặc có đàn chết vì bị bệnh. Đã có lúc ông cảm thấy chán nản và tính chuyển nghề khác. Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình và người thân, ông lại bắt tay làm lại từ đầu. Nhờ tích cực, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, khó khăn dần được khắc phục, đàn ong của ông sinh trưởng phát triển đều hơn trước, ít bị bệnh hơn.

Theo chân ông Tơ đến khu vườn rộng trên 1.000ha, chúng tôi được ông cho xem 60 tổ ong đang trong thời kỳ tách đàn, tạo ong chúa. Dù đang là mùa khô nhưng thời tiết mưa nắng thất thường, nhiệt độ cao nên đàn ong khá dữ. Ông luôn phải che mưa cho tổ ong, đặt tổ ong dưới những bóng cây râm mát. Chỉ cho chúng tôi xem cầu ong, ông tỉ mỉ nhấc lên, hương thơm ngọt dịu thoang thoảng của mùi mật lan tỏa khắp khu vườn. Ông chia sẻ: Nếu chăm sóc tốt một năm có thể tách ra từ 5-6 đàn, trung bình mỗi năm tôi nhân được gần 200 thùng ong mới, những thùng ong này được bán vào dịp đầu năm, riêng tiền bán ong giống tôi thu được khoảng 150 triệu đồng.

Mùa thu hoạch mật ong kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Qua tháng 7 là thời gian dưỡng ong để tạo chúa. Diện tích cây ăn quả tại xã khá nhiều lên đến 450ha, đàn ong được hút mật hoa nhãn, vải, táo nên mật ong gia đình ông thu hoạch được có chất lượng rất ngon. Theo ông Tơ thì tùy theo mùa, mật ong sẽ có màu sắc và hương thơm khác nhau, như mật ong hoa nhãn có màu sẫm, chất lượng đặc quánh, lượng nước dưới 20% sẽ là mật ong chuẩn. Trung bình mỗi năm ông Tơ cung cấp ra các địa bàn trong tỉnh như Đại Từ, Sông Công, T.P Thái Nguyên từ 300-400 lít mật, mỗi lít ông bán với với giá 150.000-180.000 đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tơ còn khuyến khích các bà con trong xã nuôi ong lấy mật kiếm thêm thu nhập. Ông không chỉ giúp đỡ giống, tiền vốn cho bà con mà con phổ biến những bí quyết, kinh nghiệm cho hơn chục hộ dân trong xã cùng làm. Ông Nguyễn Xuân Đắc, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm 6 chia sẻ: Không những làm kinh tế giỏi, hiện nay ông Tơ vẫn đang là Bí thư Chi bộ của xóm. Vài năm nay, được ông giúp đỡ về kiến thức nuôi ong, tôi đã nuôi 10 đàn, thu được 100 lít mật ong, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.