Người dân xóm Hân giúp nhau làm kinh tế

16:59, 28/11/2017

Với sự mạnh dạn, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, giúp nhau phát triển kinh tế mà đời sống người dân xóm Hân, xã Tân Hòa (Phú Bình) ngày càng no ấm, ổn định.

Về xóm Hân những ngày này, cho xe chạy dọc trên tuyến đường bê tông quanh xóm, chúng tôi bắt gặp hình ảnh bà con nông dân cần mẫn trên vườn đồi chăm sóc, thu hái bưởi, ổi. Ghé thăm gia đình chị Dương Thị Yến, một trong những hộ dân trong xóm đã mạnh dạn phát triển kinh tế mô hình trồng cây ăn quả, chúng tôi được thỏa sức ngắm nhìn vườn cây với đủ loại: bưởi, mít, táo, thanh long, na…

Chị Yến chia sẻ: Lứa bưởi này tôi đang chuẩn bị bán trong dịp Tết tới nên gia đình tôi đang cố gắng chăm sóc để bưởi tươi ngon, đẹp mã. Khoảng 5 năm trước, tôi bắt đầu trồng cây ăn quả trên khu vườn đồi rộng trên 500m2 của gia đình. Đến nay, trong vườn của gia đình có trên 600 cây các loại và 200 gốc đinh lăng trồng xen kẽ. Trung bình mỗi năm, từ vườn cây này, gia đình tôi thu về khoảng từ 70- 100 triệu đồng. Cùng với trồng cây ăn quả, gia đình tôi cũng chăn nuôi gà thả vườn, trồng giống lúa có năng suất cao để vừa phục vụ sinh hoạt gia đình, tiết kiệm chi phí.

Ông Ngô Thượng Năng, Trưởng xóm Hân thông tin: Trồng cây ăn quả đã trở thành hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân xóm chúng tôi trong những năm gần đây. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất vườn đồi, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu, cây ăn quả. Điển hình là các gia đình chị Phạm Thị Hạnh, Dương Thị Yến, Ngô Thị Hoa, ông Lê Văn Hỏa trồng hằng trăm gốc cây ăn quả các loại gồm bưởi diễn, thanh long, na, mít... trung bình mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện nay tổng diện tích đất trồng cây ăn quả, cây dược liệu của xóm là trên 3ha. Cùng với trồng cây ăn quả, người dân cũng tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng giống lúa năng suất cao như Thiên ưu 8, U17 thay cho Khang dân, áp dụng gieo trồng 1 giống lúa trong diện tích đất lớn để tiết kiệm chi phí chăm sóc, giảm sâu bệnh. Vụ mùa vừa qua, xóm có 50 hộ dân tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ giống U17 với diện tích 5ha.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân trong xóm cũng mạnh dạn chăn nuôi theo xu hướng kinh tế thị trường. Trước kia, xóm có trên 20 hộ chăn nuôi lợn, gà, vịt với quy mô trung bình từ 40 -150 con lợn thịt, 1.000-2.000 gà, vịt/ lứa. Thời gian qua, khi giá lợn, gà tăng giảm thất thường, hầu hết các hộ dân đã giảm quy mô chăn nuôi, đặc biệt một số hộ dân đã chuyển hướng sang chăn nuôi hươu lấy nhung.

Ông Nguyễn Văn Học, Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm Hân và cũng là một trong 2 người đầu tiên chăn nuôi hươu ở xóm cho biết: Cách đây 5 năm, xóm chỉ có 2 hộ nuôi hươu với số lượng 3 con. Để nhân rộng mô hình chăn nuôi, Chi hội Nông dân đã đứng ra liên kết, cung cấp về con giống chuẩn chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hươu cho các hộ dân, hội viên, đồng thời giúp người dân tiếp cận với vốn vay ưu đãi của các ngân hàng… Nay, đã có 14 hộ chăn nuôi với tổng số 40 con. So với chăn nuôi gà lợn, nuôi hươu an toàn và ổn định thị trường hơn. Trung bình, sau 3 năm nuôi, 1 con hươu cho thu hoạch nhung 1 lần/năm; sau 5 năm nuôi cho thu hoạch nhung 2 lần/năm. Sau khi trừ chi phí, trung bình 1 con hươu cho thu lãi 8-10 triệu đồng/năm.

Xóm Hân hiện có 204 hộ với trên 800 nhân khẩu. Với việc tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng mà đời sống của người dân trong xóm ngày càng nâng lên qua từng năm. Nếu như năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trong xóm là 19,2%, sau 3 năm đã giảm xuống còn 10,2% (năm 2017, áp dụng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo của xóm là 25%); thu nhập bình quân tăng từ 17 triệu đồng/người/năm lên mức 21 triệu đồng/người/năm hiện nay. Đời sống ổn định, người dân cùng nhau đóng góp tiền, ngày công lao động để làm đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay xóm đã có nhà văn hóa khang trang, trên 90% đường trục xóm đã được đổ bê tông, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại của bà con. Mới đây, các hộ dân trong xóm đã tập hợp, liên kết và thành lập Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi Tân Phú gồm 22 thành viên với mục đích tạo ra môi trường để người dân cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong sản xuất, là đầu mối để tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa thì những kết quả mà xóm Hân đã đạt được rất đáng khích lệ. Bởi, đối với một xã miền núi còn nhiều khó khăn như Tân Hòa, khi tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện là 16,97%; thu nhập bình quân của người dân trong xã hiện chỉ đạt 26 triệu đồng/người/năm (con số này của huyện là 37 triệu đồng/người/năm), trong khi xã chưa có nhiều nguồn lực hỗ trợ các xóm thì việc người dân các địa phương tự nỗ lực vươn lên là điều có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển chung của xã.