Mặc dù chưa từng học qua trường, lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng với niềm say mê tìm tòi, sáng tạo, ông Nguyễn Xuân Thục, ở xóm Tân Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) đã sáng chế ra chiếc máy cày “hai trong một”, vừa cày bừa, vừa kết hợp bón phân tự động, giúp tiết kiệm thời gian, công sức lao động.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, sau khi tốt nghiệp THPT, ông Thục tập trung phát triển kinh tế gia đình. Xuất thân là nông dân, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên ông thấu hiểu nỗi vất vả của nghề nông. Cũng như nhiều hộ dân trong vùng, gia đình ông gắn bó với nghề trồng và chế biến chè đã nhiều năm nay. Quá trình sản xuất, ông nhận thấy khâu làm đất trồng chè tốn rất nhiều công sức. Từ đó, ông luôn trăn trở phải làm sao đưa máy móc vào để giải phóng sức lao động con người.
Năm 2015, trong lần tình cờ xem một chương trình về khoa học kỹ thuật trên tivi, ông thấy một số nơi sáng chế máy cày, bừa hợp với điều kiện thực tế địa phương. Vì vậy, ông nảy ra sáng kiến chế tạo máy cày mini dựa trên cơ sở tận dụng động cơ, linh kiện từ chiếc xe máy cũ trong nhà. Nghĩ là làm, ông bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu các nguyên lý hoạt động, cách vận hành, mày mò lên thiết kế cho ý tưởng của mình.
Khi bắt tay vào làm, ông gặp nhiều trở ngại vì chủ yếu ông vẽ sơ bộ theo suy nghĩ của mình rồi thuê người hàn, mang về lắp ghép. Vừa làm vừa khắc phục, cải tiến những yếu tố kỹ thuật chưa phù hợp, sau gần 1 tháng, ông đã chế tạo thành công chiếc máy cày mini “hai trong một”, vừa cày bừa, vừa kết hợp bón phân tự động trước sự thán phục của bà con chòm xóm. Sáng chế của ông được tận dụng từ động cơ và linh kiện của chiếc xe máy cũ, gắn với giá đỡ do ông tự tay thiết kế, hàn nối bằng các loại sắt, thép, phế liệu. Chiếc máy có cấu tạo gồm: tay cầm lái; lưỡi cày; một bánh lồng làm bằng vành xe máy có gắn thêm lưỡi bám đất; động cơ xe máy 100 phân khối; hệ thống sên xích tải, kéo có chức năng giảm vòng quay bánh xe, tăng sức kéo cho lưỡi cày; bình chứa xăng tận dụng bằng chai nước suối; đằng sau lưỡi cày có gắn một ống thả phân vô cơ (được thiết kế thả quay vòng theo chu kỳ bánh xe chạy).
Nếu như trước đây, một sào đất, hai vợ chồng ông phải cuốc rãnh để trồng chè trong một ngày thì với chiếc máy này ông chỉ cần làm trong vòng 30 phút. Từ ngày có chiếc máy, công việc của ông đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Bà con trong xóm ai nấy đều nể phục, mỗi khi có việc nhờ ông đánh máy cày sang giúp, ông đều nhiệt tình giúp đỡ. Tuy nhiên, theo ông Thục, sáng chế này vẫn còn một số hạn chế và hoạt động chưa ổn định. Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện độ chắc chắn và chính xác của sản phẩm.
Nhận xét về hội viên của mình, ông Đặng Quốc Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình cho biết: Ông Thục là một tấm gương không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất. Sáng chế máy cày mini “hai trong một” của ông tuy còn nhiều hạn chế nhưng đã góp phần giảm công lao động, giúp người nông dân đỡ vất vả.