Tạo thuận lợi tối đa cho người vay vốn

09:26, 26/11/2017

Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt những quy định của cấp trên, trong đó có việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Điều này góp phần phát huy hiệu quả của dòng vốn chính sách với các đối tượng được thụ hưởng.

Theo quy định của Ngân hàng CSXH Việt Nam, Ngân hàng CSXH tỉnh đã và đang duy trì nề nếp, hiệu quả việc tổ chức giao dịch tại trụ sở các xã, phường, thị trấn (gọi chung là các xã) vào ngày cố định hằng tháng, nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách thuận lợi, tiết giảm chi phí. Việc giao dịch tại cơ sở được thực hiện tốt cũng góp phần đảm bảo tính dân chủ, công khai, tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách. Cùng với đó, các thủ tục trong hoạt động giao dịch đã được Ngân hàng CSXH tỉnh đơn giản hóa theo quy định của cấp trên, đồng thời cập nhật thường xuyên và công bố công khai những quy định mới, những thủ tục đã bãi bỏ. Ví dụ như hiện nay, mỗi khách hàng được cấp một sổ vay vốn, một mã số để sử dụng trong quá trình giao dịch với ngân hàng, không cần nhiều loại giấy tờ như trước đây.

Hoạt động giao dịch tại xã luôn được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo đúng các quy định. Cùng với chỉ đạo thực hiện nghiêm việc gắn camera tại tất cả các phiên giao dịch xã để giám sát hoạt động, lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh và phòng giao dịch cấp huyện cũng tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động của các tổ giao dịch xã, chấn chỉnh kịp thời những sai sót, hạn chế, nhất là thái độ của cán bộ ngân hàng trong khi giao dịch. Theo ông Trần Nhật Linh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đồng Hỷ, từ tháng 9 vừa qua, đơn vị đã tiến hành chấm điểm các phiên giao dịch tại xã theo chỉ đạo của cấp trên. Tại các điểm giao dịch xã đều được niêm yết công khai các thủ tục liên quan đến hoạt động giao dịch, công khai danh sách và thông tin tất cả các hộ vay vốn về: Chương trình vay, số tiền, thời hạn, lãi suất. Việc công khai nhằm phát huy sự giám sát trực tiếp của cộng đồng đối với tín dụng chính sách, tránh việc cho vay không đúng đối tượng và những hiện tượng tiêu cực khác có thể xảy ra. Vì vậy, nhiều năm qua đơn vị không có đơn thư phán ánh, tố cáo của người dân.

Anh Nguyễn Thành Nam, Tổ trưởng Tổ Tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Đồng Hỷ cho biết: Tôi được giao phụ trách 3 xã đồng thời là Tổ trưởng Tổ Giao dịch lưu động hằng tháng tại những xã này. Để hoạt động giao dịch tại xã đúng quy định và đảm bảo chất lượng, chúng tôi phải chuẩn bị thiết bị máy móc đầy đủ, thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ của khách hàng được các tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) chuyển lên. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, các thành viên của tổ giao dịch xã làm việc độc lập theo quy định, đúng việc được giao, không làm thay; đồng thời có trách nhiệm theo dõi, giám sát các thành viên khác. Phiên giao ban hằng tháng tại xã luôn đảm bảo đủ thành phần, nội dung là phổ biến những chính sách mới, nghiệp vụ cần thiết cho các tổ trưởng tổ TKVV và đại diện các tổ chức nhận ủy thác; đánh giá những khó khăn, tồn tại trong hoạt động tín dụng và thống nhất các giải pháp khắc phục…

Việc duy trì các tổ TKVV hoạt động hiệu quả, đúng quy định là yếu tố rất quan trọng để hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ thời gian qua. Ban quản lý các tổ có trách nhiệm thiết lập hồ sơ, hướng dẫn người có nhu cầu vay vốn làm các thủ tục đúng quy định, thu lãi và huy động tiền gửi tiết kiệm. Họ cũng là những người tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người dân, giám sát người vay vốn sử dụng đúng mục đích nguồn vốn. Ông Hoàng Long Giáp, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Võ Nhai chia sẻ: Để các tổ TKVV hoạt động hiệu quả (toàn huyện có 287 tổ), tránh những sai sót không đáng có gây ảnh hưởng đến khách hàng, chúng tôi thường xuyên phổ biến quy định, hướng dẫn nghiệp vụ cho các thành viên ban quản lý tổ, sẵn sàng tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại khi họ cần trợ giúp. Đồng thời, cán bộ Ngân hàng cũng bố trí thời gian để dự họp với các tổ, khi họ bình xét đối tượng vay vốn…

Có thể nói, những nỗ lực của cả hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh thời gian qua bằng việc thực hiện nghiêm quy định của cấp trên, nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ đang ngày càng tạo thuận lợi, nhanh chóng cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Bà Tạ Thị Nga ở xóm Ao Trám, xã Động Đạt (Phú Lương), bày tỏ: Gia đình tôi đã nhiều lần được vay vốn tại Ngân hàng CSXH huyện, lần nào tôi cũng được cán bộ Ngân hàng và Tổ trưởng tổ TKVV hướng dẫn tận tình về hồ sơ, thủ tục nên không gặp khó khăn gì. Sau khi được xét duyệt hồ sơ, tôi đến nhận tiền vay tại xã rất nhanh chóng, thuận tiện. Từ số tiền được vay, gia đình tôi đầu tư nuôi lợn, nuôi bò sinh sản, mở rộng diện tích trồng chè nên đã thoát nghèo và xây được nhà mới.

Theo thông tin từ Ngân hàng CSXH tỉnh, đến hết quý III năm nay, tổng nguồn vốn thực hiện trong toàn hệ thống đạt trên 2.900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 8,4%; tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.937 tỷ đồng (tăng trưởng 8,48% so với cùng kỳ năm trước), số nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ 0,061%/tổng dư nợ… Các nguồn vốn chính sách ngày càng phát huy hiệu quả đối với công tác an sinh xã hội trên địa bàn./