Với ước mơ làm giàu cộng thêm niềm đam mê trong lĩnh vực nông nghiệp nên anh Đinh Văn Tuấn, sinh năm 1987, ở tiểu khu Dương Tự Minh, thị trấn Đu (Phú Lương) đã từ bỏ nghề kinh doanh với mức thu nhập nhiều người mơ ước lên bản Mông ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt để làm trang trại. Sau gần 1 năm thực hiện, một trang trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng hữu cơ đang dần hình thành với nhiều triển vọng, tạo nên bức tranh khởi sắc ở vùng đồng bào dân tộc Mông.
Năm 2012, sau khi lập gia đình, anh Tuấn cùng vợ xây nhà ra ở riêng tại tiểu khi Dương Tự Minh. Vợ anh Tuấn là chị Nguyễn Duy Linh công tác tại UBND huyện. Còn anh Tuấn đã mở một cửa hàng điện thoại di động tại nhà để kinh doanh. Sau 7 năm chung sống, vợ chồng anh Tuấn đã có hai con gái xinh xắn (bé lớn sinh năm 2012, bé thứ 2 sinh năm 2015). Từ việc kinh doanh điện thoại di động cộng thêm lương của vợ, mỗi tháng, gia đình anh Tuấn thu nhập gần 14 triệu đồng, đủ trang trải, chi tiêu cho cuộc sống. Thế nhưng, đầu năm 2017, anh Tuấn lại quyết định bỏ nghề kinh doanh, ngược núi cách thị trấn hơn 10km lên vùng đồng bào dân tộc Mông để làm trang trại chăn nuôi.
Với gần 3ha đất rừng mà bố mẹ cho vợ chồng anh trước đó, cùng số tiền vợ chồng tích góp được cùng với tiền vay ngân hàng, anh Tuấn đã đầu tư gần 1 tỷ đồng, thuê 4 lao động, máy móc để khai hoang trồng keo, cỏ voi, ngô, sắn và xây hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Đầu tiên, anh Tuấn đã xây hai trại để nuôi 2.000 con gà thương phẩm và gà đẻ trứng (mỗi loại 1.000 con). Đối với gà đẻ trứng, anh Tuấn lựa chọn giống gà Ai Cập. Theo anh, đây là giống gà siêu trứng, dễ nuôi, vòng đời có thể đẻ 3.000 quả trứng, hơn nữa, chất lượng lại thơm ngon, lòng đỏ to, khi năng suất đẻ trứng giảm, có thể bán gà thịt với giá từ 80.000-90.000 đồng/kg. Còn với gà thương phẩm, anh đã chăn thả 1.000 con gà ta, dự kiến khoảng cuối năm 2017 này sẽ cho thu lứa đầu tiên. Không chỉ đầu tư chăn nuôi gà, anh Tuấn còn mua thêm 12 con bò giống, mục đích là nuôi sinh sản; đào ao thả các loại cá như: mè, trôi, chép…
Điều đáng nói đây, mô hình kinh tế của anh Tuấn đều được thực hiện theo hình thức chăn nuôi hữu cơ. Theo đó, tất cả ngô và sắn được trồng đều làm thức ăn chăn gà; trồng cỏ để nuôi bò, cá; phân chuồng ủ mục làm phân bón cho cây trồng… Anh Tuấn cho biết: Chăn nuôi hữu cơ không chỉ đảm bảo được nguồn thực phẩm an toàn mà còn tiết kiệm tối đa chi phí thức ăn cho vật nuôi, không lo lắng khi giá cả ngoài thị trường biến động. Nói riêng về việc chăn gà đẻ trứng, khi chăn bằng ngô hoặc sắn cùng với một số thức ăn khác, chất lượng và số lượng trứng vẫn được đảm bảo mà chi phí thức ăn đầu tư chỉ bằng ½ so với việc sử dụng cám công nghiệp. 3 tháng gần đây, gà đã bắt đầu đẻ trứng, với 18.000 quả trứng được xuất bán ra thị trường trong và ngoài huyện, gia đình tôi thu được khoảng 54 triệu đồng (3.000 đồng/quả trứng), trừ các chi phí lãi được trên 12 triệu đồng/tháng). Năm sau, tôi có kế hoạch chăn nuôi thêm khoảng 2.000 con gà và 40 con bò sinh sản…
Lẫn trong những quả núi cao, vạt ngô xanh mướt, chúng tôi thấy một khu trang trại chăn nuôi rộng thênh thang, được xây dựng khá quy mô. Hệ thống chuồng trại, vườn cây, ao cá được bố trí hợp lý, trên vạt núi cao là khu rừng keo, phía dưới là những vạt cỏ voi tươi tốt, thấp hơn nữa là ao cá và khu chăn nuôi. Một bức tranh về mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, rừng) hiện ra đã góp phần vào sự khởi sắc ở bản người dân tộc Mông nơi đây. Anh Lý Văn Sài, Trưởng xóm Đồng Tâm cho biết: Trang trại của anh Tuấn không chỉ tạo việc làm cho bà con địa phương mà còn là điểm sáng để người Mông học tập phát triển sản xuất. Hơn nữa, hiện nay, ngô và sắn bà con làm ra cũng đem bán cho trang trại anh Tuấn và một số gia trại chăn nuôi ở xóm, không phải mang xuống chợ bán như trước.
Ước tính trong năm, trang trại anh phải nhập thêm khoảng 250 tấn ngô, sắn của người dân. Theo anh Tuấn, nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào cũng là một trong những nguyên nhân khiến anh quyết định đầu tư xây dựng trang trại tại bản người Mông. Ông Ma Tiến Kốp, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho hay: Khí hậu, đất đai ở xóm Đồng Tâm rất thuận lợi cho việc chăn nuôi. Việc anh Tuấn đầu tư mở trang trại ở khu vực này, nhất là chăn nuôi hữu cơ rất hợp lý. Bởi lẽ, khí hậu trong lành, dân cư thưa thớt sẽ đảm bảo được môi trường, hạn chế được dịch bệnh trong chăn nuôi. Mô hình này có nhiều triển vọng phát triển và phát triển bền vững bởi chăn nuôi theo hướng hữu cơ vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, nguồn thực phẩm an toàn sẽ thu hút được người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng. Với mô hình này, vừa qua, huyện đã có hỗ trợ tập huấn các kiến thức chăn nuôi, máy móc trộn thức ăn. Hiện nay, chúng tôi cũng đang đề xuất gia đình anh Tuấn liên kết với một số trang trại, gia trại khác trên địa bàn xã để thành lập hợp tác xã. Việc này sẽ giúp cho các thành viên trong hợp tác xã được hỗ trợ nhiều hơn về kiến thức, nguồn vốn, nhất là tạo mối liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm sau này.