Đưa chè Thái Nguyên vươn ra thế giới

16:42, 04/12/2017

Sau hơn 10 năm nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại Việt Nam, thời gian gần đây, các cơ quan sở hữu trí tuệ của Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè Thái Nguyên. Đây là một sự khẳng định đối với uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên, đồng thời là điều kiện rất thuận lợi để thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường, đưa sản phẩm nổi tiếng này ra thế giới, góp phần nâng cao vị thế “Đệ nhất danh Trà”.

*Ngày 23-2-2016, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 4903925 cho nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.

Ngày 21-5-2017, Tổng cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 16602364 và 16602365 cho nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.

Ngày 16-9-2017, Cục Sở hữu trí tuệ Đài Loan cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 01870267 cho nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.    

Với gần 22.000ha chè, hiện nay, Thái Nguyên là địa phương có diện tích chè lớn thứ hai trong cả nước (sau Lâm Đồng). Năm 2017, sản lượng chè toàn tỉnh đạt trên 210.000 tấn, giá trị sản xuất đạt gần 120 triệu đồng/ha; sản lượng chè qua chế biến đạt trên 42.000 tấn, trong đó chế biến công nghiệp là hơn 8.500 tấn. Sản phẩm chè Thái Nguyên đã có mặt trên toàn quốc và một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, như: Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan, Srilanca, Afghanistan... với sản lượng xuất khẩu đạt hơn 3.800 tấn/năm.

Những năm qua, tThái Nguyên đã tập trung nguồn lực để khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế của cây chè. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất kết hợp với tạo dựng thương hiệu đã giúp cho sản phẩm chè Thái Nguyên ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị. Với mục đích bảo đảm quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè, ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu này; đồng thời để sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đáp ứng các tiêu chuẩn quy định về xuất xứ, chất lượng, duy trì danh tiếng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè, từ năm 2006, UBND tỉnh đã giao cho Sở KH-CN chủ trì đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Đến tháng 8-2006, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Đây cũng là sản phẩm đặc thù đầu tiên của tỉnh được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Sau đó, một loạt nhãn hiệu của các vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh đã được bảo hộ, như: Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”; các nhãn hiệu tập thể “Chè La Bằng”, “Chè Trại Cài”, “Chè Vô Tranh”...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè Thái Nguyên ra thị trường trong nước và quốc tế. Các năm 2011, 2013 và 2015, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công Festival Trà. Năm 2013, sản phẩm chè Thái Nguyên được công nhận kỷ lục Việt Nam “Thái Nguyên - Thương hiệu trà danh tiếng được nhiều người biết đến nhất” và kỷ lục châu Á “Sản phẩm trà Thái Nguyên thuộc Top các đặc sản quà tặng có giá trị của châu Á”. Năm 2016, sản phẩm của Công ty cổ phần chè Hà Thái đạt giải Bạc và năm 2017, sản phẩm của Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình đạt giải Đặc biệt tại Cuộc thi chè đặc sản quốc tế Bắc Mỹ. Năm 2017, có 2 sản phẩm chè đặc sản của Hợp tác xã (HTX) chè La Bằng (Đại Từ) và HTX chè Tuyết Hương (Đồng Hỷ) được lựa chọn làm quà tặng các đại biểu tham dự Diễn đàn APEC tổ chức tại nước ta... Các hoạt động này góp phần tạo dựng hình ảnh, danh tiếng và phát triển chè Thái Nguyên trở thành một đặc sản, một thương hiệu nổi tiếng của người Việt Nam.

Tuy vậy, việc xuất khẩu sản phẩm chè Thái Nguyên ra các thị trường trên thế giới vẫn còn khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chè Hà Thái cho biết: Trên thực tế đánh giá của nhiều khách hàng, sản phẩm chè Thái Nguyên không thua kém bất kỳ một sản phẩm chè của địa phương hay quốc gia nào. Cái yếu, cái thiếu trong sản phẩm chè xuất khẩu của chúng ta bị tích lũy trong cả quá trình từ sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ. Đặc biệt, việc nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” chưa được bảo hộ trên thị trường quốc tế đã khiến sản phẩm chè của chúng ta gặp không ít bất lợi khi vươn ra các thị trường trên thế giới.

Từ thực tế đó, đến tháng 7-2014, UBND tỉnh tiếp tục giao cho Sở KH-CN chủ trì tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan. Sau hơn 3 năm thẩm định hồ sơ, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được các cơ quan sở hữu trí tuệ của 3 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cấp văn bằng bảo hộ.

Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên tại các thị trường nước ngoài tiềm năng, hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc tế, tạo ra những cơ hội và lợi ích ngày càng lớn hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chè, tạo hiệu ứng mạnh mẽ để nâng tầm thương hiệu “Chè Thái Nguyên” trên thị trường thế giới.

Theo bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX Chè La Bằng: Vừa qua, sản phẩm Đinh Tâm Trà của HTX đã vinh dự được góp mặt trong bộ sản phẩm quà tặng đặc trưng của nước chủ nhà Việt Nam gửi đến đại diện các nền kinh tế tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tổ chức tại T.P Đà Nẵng. Đây là cơ hội lớn để chúng tôi giới thiệu sản phẩm chè Thái Nguyên đến thế giới. Tuy vậy, để đạt đến bước có thể xuất khẩu cần rất nhiều việc phải làm nhưng với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, đặc biệt là sự kiện “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan đã giúp HTX có những định hướng chiến lược cụ thể để sản xuất sản phẩm hướng đến các thị trường này.