Góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

08:36, 02/12/2017

Khoảng 5 năm trở lại đây, nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Tuy nhiên, có một thực tế là việc quản lý thuế đối với loại hình DN này (đặc biệt là những DN có giao dịch liên kết) còn gặp không ít khó khăn. Do đó, Cục Thuế tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thuế, góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN.

Theo khoản 3, Điều 4, Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Giao dịch liên kết là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.    

Nếu như cuối năm 2012, Thái Nguyên đứng ở vị trí thứ 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thu hút nguồn vốn FDI, thì đến hết quý III/2017, trên địa bàn  tỉnh đã có tới 128 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký trên 7,3 tỷ USD (tương đương khoảng 164 nghìn tỷ đồng), chiếm 2,4% tổng nguồn vốn đầu tư của cả nước và đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố về vốn FDI.

Khoảng 3 năm trở lại đây, số thuế nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) của khối DN này chiếm khoảng 30% số thu NSNN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tế quản lý của cơ quan thuế cho thấy, số nộp này chủ yếu phát sinh ở một số DN lớn và tập trung vào nguồn thu thuế nhà thầu nước ngoài. Một điểm đáng chú ý nữa là nhiều dự án không phát sinh số nộp NSNN, đồng thời kê khai quyết toán thuế DN lỗ liên tục nhiều năm với giá trị lớn...

Qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi được biết: Tính đến năm 2017, nhiều DN FDI đã hoàn thành giai đoạn đầu tư và theo chu kỳ ổn định kinh doanh (từ 3-5 năm), một số DN đã đi vào sản xuất kinh doanh từ 1-2 năm, nhưng hầu hết đều khai kết quả kinh doanh bị lỗ, thậm chí số lỗ năm sau còn cao hơn năm trước, có DN còn kê lỗ quá cả phần vốn chủ sở hữu (nói cách khác là âm vốn)…

Qua quá trình quản lý, theo bà Nguyễn Thị Thuận, Trưởng phòng Kiểm tra thuế số 1, Cục Thuế tỉnh: Kiểm tra hồ sơ khai thuế tại Cơ quan thuế, chúng tôi nhận dạng được một số trường hợp có dấu hiệu rủi ro về giá chuyển nhượng, như: DN nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN kia; cả hai DN đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp; hoạt động sản xuất kinh doanh, bán hàng, mua nguyên vật liệu đầu vào trực tiếp chịu sự điều hành của công ty mẹ hoặc đối tác nước ngoài, hoặc công ty cùng tập đoàn với công ty. Đơn giá gia công hoặc sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào chủ yếu chịu sự chi phối của công ty mẹ hoặc công ty cùng tập đoàn; DN lỗ nhiều năm liên tục, một số DN đã lỗ vượt cả vốn góp của chủ hữu, nhưng vẫn liên tục mở rộng đầu tư; DN có tình trạng vốn góp để thực hiện dự án đầu tư thấp so với vốn đầu tư, phần vốn còn lại vay của các bên liên kết dẫn đến chi phí lãi vay trong năm cao; nhóm DN không phát sinh số thuế thu nhập DN phải nộp trong suốt thời gian sản xuất, kinh doanh tại Thái Nguyên.

Theo thống kê của Cục Thuế, toàn tỉnh hiện có gần 600 DN có giao dịch liên kết. Trong đó, có 75 DN FDI. Trong số này có tới 46/75 DN khai lỗ nên không phát sinh số nộp vào NSNN. Tất cả các DN, sau khi đẩy tờ khai đến cơ quan Thuế, bộ phận nghiệp vụ sẽ tiến hành phân tích trên ứng dụng để xác định mức độ rủi ro. Những DN có những dấu hiệu bất thường sẽ được yêu cầu tự xác định lại kết quả sản xuất, kinh doanh. Nếu DN không có sự điều chỉnh hợp lý, cơ quan Thuế sẽ đưa vào danh sách đề trình cấp có thẩm quyền cho thực hiện thanh tra chuyên đề giá chuyển nhượng.

Trên thực tế, cũng đã có DN sau khi được cơ quan Thuế yêu cầu xác định lại kết quả sản xuất, kinh doanh đã có sự điều chỉnh. Do đó, đã có số thuế nộp vào NSNN. Một ví dụ điển hình là Công ty TNHH Shinwon (T.X Sông Công). Trước đó, từ năm 2014 trở về trước, Công ty này luôn báo lỗ, trong khi đơn vị hoạt động ổn định, có sự đầu tư, mở rộng. Tuy nhiên, sau khi cơ quan thuế làm việc, yêu cầu DN tự xác định lại kết quả sản xuất, kinh doanh trên cơ sở điều chỉnh các quy phạm về giao dịch liên kết thì Công ty này đã điều chỉnh từ báo lỗ gần 138 tỷ đồng (trong 5 năm 2010-2014), lên con số đã lãi hơn 20,6 tỷ đồng. Theo đó, đã phát sinh số thuế nộp vào NSNN 4,4 tỷ đồng. Trong 2 năm tiếp theo 2015 và 2016, số thuế nộp của Công ty này là hơn 3,3 tỷ đồng.

Theo ông Nghiêm Quang Khương, Trưởng phòng Thanh Tra Cục Thuế tỉnh: Hầu hết các hành vi trốn thuế của DN FDI thực hiện thông qua việc kê khai chi phí đầu vào cao, đặc biệt đối với nguyên liệu nhập khẩu, từ đó tạo ra lỗ nhưng thực chất là dòng tiền được chuyển động giữa các công ty thành viên (công ty mẹ - con). Ngoài ra, là hành vi điều chỉnh tăng lãi vay, hay còn gọi là “sắp đặt hợp đồng”; nâng chi phí các khoản nghiên cứu thị trường, quảng cáo sản phẩm, bản quyền công nghệ để gia tăng giá thành sản phẩm hoặc chuyển qua một nước thứ 3 mà có mức lãi suất thấp, nhằm thực hiện hành vi trốn thuế.

Hiện, cơ quan Thuế đã xác định được 12 DN FDI có rủi ro cao về giao dịch liên kết để tiến hành thanh tra chuyên đề giá chuyển nhượng năm 2018. Trong đó, trước mắt đề nghị Tổng cục Thuế cho làm điểm 5 DN để trên cơ sở đó triển khai trên phạm vi rộng hơn.