Lên xóm Mặt Giăng, vào thăm một số hộ nông dân, chúng tôi thấy nhiều nhà có máy nông cụ phục vụ sản xuất, như máy cày, bừa, tuốt lúa, thái sắn, sao, vò chè... Điển hình như gia đình ông Tô Ngọc Tuấn có máy tôn quay sao chè, máy thái chuối, nghiền ngô; ông Ninh Văn Mai có máy thái đa năng, bình phun thuốc trừ sâu chạy điện; ông Lương Xuân Ngọc có máy tôn quay sao chè, máy thái chuối, nghiền ngô. Nhờ có máy, các hộ nông dân này tiết kiệm được công sức lao động; có quỹ thời gian nhiều hơn để làm công việc khác của nhà nông.
Ông Chu Hồng Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đại từ cho biết: Đây là một trong số các hộ nghèo của xã Phúc Lương được Nhà nước hỗ trợ tiền mua máy nông cụ phục vụ sản xuất trong 2 năm gần đây. Như hộ ông Tuấn được hỗ trợ 3,4 triệu đồng; hộ ông Mai được hỗ trợ 2 triệu đồng; hộ ông Ngọc được hỗ trợ 1,4 triệu đồng để mua một số máy nông cụ các loại.
Chuyện hỗ trợ hộ nghèo mua máy nông cụ phục vụ sản xuất, ông Đào Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Giảm nghèo của xã cho biết: Đây là các gia đình của xã thuộc nhóm hộ tham gia Dự án hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất, thuộc Dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong 2 năm 2016 và 2017, xã có 286 hộ được Nhà nước hỗ trợ, với tổng vốn gần 570 triệu đồng. Nhờ đó, các hộ nghèo này đã mua được 366 máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất, chủ yếu là máy bơm nước, máy quạt thóc, máy chế biến chè các loại, máy cày, máy phun thuốc trừ sâu, máy thái sắn và một số loại máy nông cụ mini khác, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế gia đình.
Là một trong những xã xa xôi, khó khăn của huyện Đại Từ, với 4.562 cư dân (1.258 hộ) sinh sống tại 17 xóm, trong đó có 425 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm hơn 33% so với tổng số hộ. Trao đổi với chúng tôi, bà Đoàn Thị Hồng Nhung, Phó phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện cho biết: 94,5% số dân của xã Phúc Lương là người dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc khó khăn vì thiếu đất sản xuất, thiếu kinh nghiệm làm ăn và thiếu vốn đầu tư. Nên việc hỗ trợ cho các hộ nghèo tiền mua máy nông cụ, hỗ trợ vốn vay và tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hộ nghèo cũng giống như việc đặt vào tay người nông dân chiếc cần câu, và hướng dẫn cho họ cách câu được con cá.
Về xóm Khuôn Thủng, gặp bên đồng làng bà con đang hối hả thu hoạch lúa vụ Xuân. Nhiều hộ tranh thủ nắng mang lúa phơi khô, quạt sạch đổ bồ. Bà Ma Thị Liên phấn chấn nói: Nhờ có số tiền 800.000 đồng hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi mua được chiếc máy quạt thóc chạy điện, mùa vụ cũng bớt đổ mồ hôi. Trước lúc về Khuôn Thủng, tôi cũng được bà Triệu Thị Tâm, xóm Bắc Máng cho biết: Gia đình tôi cũng mua được máy quạt thóc chạy điện bằng tiền hỗ trợ của Nhà nước. Gia đình tôi dùng xong thường cho bà con có nhu cầu mượn dùng. Ai cũng bảo cái máy nó làm khỏe hơn cả thanh niên.
Sang xóm Na Đon, gặp ông Lý Văn Nha đang mướt mát mồ hôi vì đứng bên lò nóng. Ông khoe: Nhờ số tiền hỗ trợ 4,7 triệu đồng của Nhà nước, gia đình tôi mua được máy tôn quay sao chè và máy vò chè. Có mặt ở đó, ông Tô Viết Doanh cho biết: Tôi cũng được Nhà nước hỗ trợ 4,9 triệu đồng để mua máy nông cụ phục vụ sản xuất, tôi mua máy đốn chè. Ngoài việc đốn cúp chè của gia đình, tôi có thể đi đốn, cúp chè thuê cho các hộ trồng chè trong vùng.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trong thực hiện giải ngân, hỗ trợ cho hộ nghèo mua máy nông cụ phục vụ sản xuất, huyện Đại Từ luôn linh hoạt, tạo thuận lợi cho hộ nghèo được nhận tiền hỗ trợ mua máy. Ví như hộ ông Ngô Văn Dũng, xóm Na Đon được hỗ trợ 450.000 đồng, ông Dũng tự bỏ thêm 350.000 đồng để mua bình phun thuốc trừ sâu chạy điện mới trị giá 800.000 đồng. Ở xóm Na Pài, ông Trần Văn Thanh được hỗ trợ 6 triệu đồng để mua máy nông cụ. Ông Thanh đã sử dụng số tiền này mua 1 máy bơm nước, 1 máy đốn chè đã qua sử dụng và 1 bình phun thuốc trừ sâu mới.
Để việc thực hiện chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng nghèo, và đối tượng sau khi nhận được tiền hỗ trợ sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao mức thu nhập cho các thành viên trong gia đình, Ban Giảm nghèo của xã hằng năm được kiện toàn, có trách nhiệm tiếp cận nguồn vốn vay, triển khai bình xét cho vay, đảm bảo công khai dân chủ, đúng đối tượng. Bằng hình thức, phương thức hỗ trợ, UBND xã tiến hành hỗ trợ bằng hiện vật phục vụ sản xuất theo nhu cầu của người dân. Cùng với đó là Ban Giám sát của xã có trách nhiệm giám sát máy móc, trang thiết bị, nghiệm thu chất lượng các loại máy móc thiết bị trước khi cấp phát cho nhân dân và giám sát quá trình thực hiện Dự án theo cam kết.
Nhìn từng vạt ruộng vừa sau thu hoạch lúa vụ xuân, tôi nhớ đến câu chuyện cùng ông Đào Văn Chiến, xóm Cỏ Rôm. Ông Chiến bảo: Tiền hỗ trợ của Nhà nước, với nông dân nghèo như chúng tôi chẳng khác nào người chạy đua đường trường được tiếp thêm sức mạnh. Bản thân gia đình tôi cũng được 650.000 đồng tiền hỗ trợ để mua máy bơm điện Việt - Hàn 370W từ năm 2016. Nhờ có máy bơm, công việc cày, cấy của gia đình tôi được chủ động hơn vì không lo ruộng bãi cao thiếu nưới tưới.
Nhìn ông Chiến lụi cụi be bờ, chuẩn bị máy bơm lấy nước từ đoạn khe suối gần đó lên làm mạ vụ mùa. Tôi biết, với những người nông dân nghèo thì việc Nhà nước hỗ trợ tiền mua máy nông cụ phục vụ sản xuất, cũng giống như việc đặt vào tay người nông dân chiếc cần câu đã buộc sẵn mồi… Tôi tắt ngang đường, leo một đoạn dốc ngắn lên khu đồi gần đó, gặp mẹ con bà Lý Thị Vân đang thu hái chè. Bà Vân phàn nàn: Nhà có 5 sào chè, 5 sào ruộng cấy 2 vụ lúa. Công việc sản xuất của gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là việc làm chè. Vì chưa có tiền mua máy, nên mỗi lần thu hái lại phải gánh chè tươi, củi khô đi thuê máy sao, vò chè với giá 2.000 đồng/kg. Mỗi lứa thu hái, sau chế biến được 100kg chè khô, tôi phải trả 2.000 đồng tiền thuê máy.
Vâng! 2.000 đồng/kg để thuê máy. Sẽ không đáng kể với ai đó. Nhưng sẽ rất lớn đối với người nông dân nghèo vùng đất Phúc Lương. Tôi mong trong cuộc sống đời thường, sẽ có thêm nhiều nông dân nghèo được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước để mua máy nông cụ phục vụ sản xuất. Vì đó là cách khuyến khích, thôi thúc người dân vươn lên, đạt được giấc mơ thoát nghèo bền vững.