Những ngày gần đây, nắng nóng liên tục và kéo dài đã khiến tình trạng sử dụng điện của các công ty, nhà máy, xí nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn T.P Sông Công tăng cao. Để đảm bảo nguồn điện ổn định, ngành Đện lực thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chống quá tải lưới điện.
Điện lực Sông Công hiện đang quản lý 170 trạm biến áp (TBA) phục vụ sản xuất cho các công ty, nhà máy, xí nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, với công suất trên 200.000KVA. Tại đây, 90 khách hàng là các công ty, nhà máy, xí nghiệp đều có TBA chuyên dùng, chiếm 87% sản lượng điện thương phẩm. Ông Trịnh Xuân Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sông Công cho biết: Những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của các khách hàng tại các khu, cụm công nghiệp tăng từ 10-15%. Bởi vậy, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, việc cung cấp điện an toàn, ổn định đối với những khách hàng này luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Theo đó, Công ty luôn hạn chế tối đa tình trạng cắt điện tại các khu, cụm công nghiệp; việc cắt điện luôn có kế hoạch, được thông báo đến các đơn vị trước 5 ngày (bằng văn bản hoặc gọi điện trực tiếp) để họ chủ động sắp xếp công việc; tuyên truyền, vận động các công ty, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý trong những tháng cao điểm, tránh tình trạng quá tải lưới điện... Bên cạnh đó, Công ty cũng huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, công nhân viên sẵn sàng trực 24/24 giờ để xử lý các sự cố về điện nhanh, kịp thời.
Có mặt tại Khu công nghiệp Sông Công 1 một ngày cuối tháng 6, chúng tôi thấy nhân viên Công ty Điện lực Sông Công đang tích cực sửa chữa, khắc phục sự cố lộ cáp ngầm E472E6.3 (Trạm 110KV Gò Đầm cấp điện cho Khu công nghiệp Sông Công nghiệp Sông Công 1). Anh Mai Đăng Quang, Đội trưởng Đội Quản lý Tổng hợp 1 cho biết: Khi nguồn điện tại trạm 110KV gặp sự cố, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra ngay lưới điện trên không. Sau khi xác định nguồn điện bị mất không phải do lưới điện trên không, chúng tôi tiếp tục kiểm tra lộ cáp ngầm dưới lòng đất và phát hiện nguyên nhân mất điện là do đứt cáp. Để tìm địa điểm xảy ra sự cố, chúng tôi phải dùng đến thiết bị chuyên dùng để dò tìm, sử dụng cuốc, xẻng để đào đất, đến chỗ có cáp bị đứt và nối lại. Trước khi tiến hành sửa chữa, chúng tôi đã chuyển đổi cấp điện cho khách hàng bằng nguồn điện từ trạm 110KV Phú Bình sang trong thời gian xử lý sự cố để khách hàng vẫn có điện sản xuất. Sau đó 1 ngày, sự cố được khắc phục.
Là một trong số những khách hàng sử dụng điện lớn tại Khu công nghiệp Sông Công 1, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hương Đông thông tin: Trung bình 1 tháng, Công ty sử dụng trên 2 triệu KW điện để phục vụ việc luyện thép, cuối tháng 6 vừa qua, khi có sự cố về điện, chúng tôi rất lo lắng vì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, chỉ sau 30 phút khi xảy ra sự cố, nhân viên Công ty điện lực Sông Công đã nhanh chóng cấp lại điện cho Công ty bằng một nguồn điện khác nhờ đó Công ty đã có thể sản xuất trở lại chỉ sau 30 phút.
Để đảm bảo nguồn điện sử dụng ổn định trong mùa nắng nóng, các Công ty, doanh nghiệp cũng đăng ký với Công ty Điện lực Thái Nguyên, lắp đặt thêm các TBA. Đơn cử như Công ty TNHH Hiệp Hương trước đây sử dụng 5TBA với công suất 3.200KVA/trạm thì nay tăng thêm 2 TBA, mỗi trạm có công suất 8.000KVA; Công ty CP Thương mại Hiệp Linh hiện đang sử dụng 4TBA, công suất 2.500KVA/trạm, nay Công ty vừa đóng điện thêm 2 TBA, công suất 8.000KVA/trạm; Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Trung Thành đã đóng điện ở TBA số 2, công suất 9.600KVA...
Thời gian tới, để nguồn điện được đảm bảo, ổn định hơn nữa tại các khu, cụm công nghiệp, ông Thịnh cho biết thêm: Trong tháng 7 này, Điện lực Sông Công sẽ phối hợp cùng Công ty Điện lực Thái Nguyên tiến hành lắp đặt thêm 1 TBA 63.000KVA tại trạm 110KV ở Khu Công nghiệp Gò Đầm, trị giá 20 tỷ đồng, đồng thời xây dựng 2 lộ cáp ngầm từ TBA 110KV (phường Lương Châu) ra ngoài khu B (Khu công nghiệp Sông Công 1) với tổng trị giá 30 tỷ đồng.