Hiện nay, T.X Phổ Yên có 1 xã An toàn khu, 1 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 20 xóm ĐBKK được thụ hưởng Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã ĐBKK vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Từ nguồn vốn của Chương trình, thời gian qua, địa phương đã quan tâm hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhờ đó diện mạo nông thôn ở những vùng khó khăn có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.
Öng Đặng Quang Trung, Trưởng phòng Dân tộc T.X Phổ Yên cho biết: Trên địa bàn thị xã có 1 xã ATK (xã Tiên Phong) xà1 xã ĐBKK (xã Thành Công). Từ năm 2014 đến nay, có hơn 3.110 hộ dân ở các vùng dân tộc thiểu số ĐBKK của thị xã được thụ hưởng Chương trình 135. Ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và các sở, ban, ngành của tỉnh, thị xã đã tập trung tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đến từng xã, xóm được thụ hưởng. Hàng năm, trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ các vùng khó khăn, thị xã căn cứ vào tình hình thực tế ở mỗi địa phương và mong muốn của người dân để cân đối, bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp. Đối với các dự án thành phần của Chương trình 135 (như: xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở và cộng đồng...) đều được công khai về chủ trương, chính sách, đối tượng hưởng lợi, nguồn vốn, định mức hỗ trợ; đồng thời, người dân được tham gia bàn bạc, đăng ký nhu cầu và bình xét dân chủ tại địa phương. Riêng với các công trình kết cấu hạ tầng, các xã, xóm đều thành lập ban giám sát cộng đồng theo quy định nhằm bảo đảm chất lượng thi công và phát huy hiệu quả của công trình. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, các công trình đều được gắn biển tên và giao cho xã, xóm quản lý...
Từ thực tế nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã, xóm 135 còn nhiều khó khăn và căn cứ vào nguồn vốn Chương trình 135 được hỗ trợ, thị xã ưu tiên bố trí nguồn vốn để các địa phương đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, với tổng kinh phí trên 20,8 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, thị xã đã đầu tư xây dựng 25 công trình giao thông (với tổng chiều dài trên 10km), 3 công trình thủy lợi, 7 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng... Hầu hết các công trình trên đều phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của bà con. Theo ông Dương Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Thành Công, xã hiện có 5 xóm thuộc diện được hỗ trợ từ Chương trình 135 gồm: Xuân Dương, Nhội, Bìa, Xuân Hà 1 và Xuân Hà 2. Đường giao thông tại các xóm trên chủ yếu là đường đất lầy lội, việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, từ nguồn vốn gần 1 tỷ đồng của Chương trình 135, năm 2017 xã đã hỗ trợ các xóm bê tông hóa hơn 4km đường giao thông nông thôn.
Ông Dương Văn Nhuận, Trưởng xóm Xuân Dương cho biết: Nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình 135 cùng với sự đóng góp của người dân, năm 2017, xóm đã xây dựng được tuyến đường trục rộng rãi, sạch sẽ với chiều dài hơn 130m, rộng 3,5m. Ngoài làm đường giao thông, năm 2018, xóm cũng đã vận động người dân hiến 2.000m2 đất để xây dựng nhà văn hóa với diện tích trên 140m2, tổng kinh phí khoảng 350 triệu đồng.
Nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng khó, từ nguồn vốn Chương trình 135, thị xã cũng đã quan tâm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất thông qua việc hỗ trợ về con giống, thức ăn chăn nuôi, máy móc thiết bị, thuốc thú y... với tổng kinh phí gần 5,8 tỷ đồng. Bằng các giải pháp cụ thể và thiết thực cùng sự nỗ lực của người dân, những năm gần đây đời sống của bà con các xã, xóm khó khăn được nâng lên đáng kể. Điển hình có thể kể đến xã Minh Đức, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 6% (năm 2016 là 12%); thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm (năm 2016 là 28 triệu đồng). Được biết, năm 2016 xã Minh Đức có 3 xóm thuộc diện 135 là Thuận Đức, Lầy 5 và Chằm 7A, đến năm 2017 có thêm 3 xóm Tân Lập, Đầm Mương 14 và Đầm Mương 15. Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xã tiến hành rà soát các đối tượng hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất (diện tích trồng chè, trồng rừng, chuồng trại chăn nuôi…), từ đó định hướng người dân thành lập các nhóm nhỏ có chung mục đích rồi thống nhất nội dung cần hỗ trợ. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, năm 2016, xã đã hỗ trợ 53 hộ dân phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc 10ha chè với tổng số tiền 158 triệu đồng. Năm 2017, 59 hộ dân của các xóm: Thuận Đức, Lầy 5, Chằm 7A và Tân Lập được hỗ trợ 51 máy bơm nước, 25 bình thuốc sâu, 8 máy cắt cỏ và 7 tôn sao chè với tổng kinh phí 178 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Vân, ở xóm Lầy 5 chia sẻ: Tôi rất phấn khởi khi được hỗ trợ hơn 2 triệu đồng để mua máy bơm nước, bởi vào vụ gieo cấy không còn phải thức đêm để dẫn nước vào các chân ruộng khó lấy nước như trước kia. Từ sự hỗ trợ có ý nghĩa thiết thực này, người dân chúng tôi có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Chương trình 135 trên địa bàn T.X Phổ Yên trong những năm qua đã được triển khai thực hiện hiện hiệu quả. Lãnh đạo Phòng Dân tộc thị xã khẳng định: Thông qua Chương trình 135, diện mạo nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã khó khăn giảm từ 2-3%; hiện thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/người/năm. Theo kết quả rà soát mới đây, số xã ĐBKK trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thị xã đã giảm từ 3 xã xuống còn 1 xã; số xóm ĐBKK thuộc các xã khu vực II là 20 xóm. Để tiếp tục hỗ trợ người dân vùng khó vươn lên ổn định cuộc sống, hiện nay, thị xã đang đầu tư xây dựng 17 công trình kết cấu hạ tầng; hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo và cận nghèo tại các xóm ĐBKK với số tiền hơn 1 tỷ đồng...