Sau nhiều năm mong mỏi, đến nay, những hộ dân sinh sống ở những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại xã Linh Thông (Định Hóa) đã được di dời đến nơi ở mới an toàn. Cuộc sống ở khu tái định cư dù bước đầu còn khó khăn, song được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, bà con đang từng bước ổn định cuộc sống, tích cực phát triển sản xuất trên mảnh đất mới.
Linh Thông là xã miền núi có đặc điểm địa hình tương đối đặc biệt với những dãy núi đá bao quanh và nhiều khe lạch, sông suối chảy qua. Do đặc điểm địa hình như vậy nên người dân chủ yếu sinh sống ở chân các dãy núi đá và ven bờ sông, suối. Hằng năm, cứ đến mùa mưa bão là các hộ dân nằm ở sát chân núi đá và ven bờ sông, suối lại phải hứng chịu hậu quả nặng nề do những trận mưa dông, lũ quét, sạt lở đất gây ra…
Theo thống kê của UBND xã Linh Thông vào năm 2015, trên địa bàn xã có gần 100 hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, trong đó có 32 hộ gia đình thuộc 11 xóm nằm trong diện cần phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân. Trước thực trạng đó, đầu năm 2016, UBND tỉnh đã giao cho Chi cục Phát triển Nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) làm chủ đầu tư xây dựng Dự án Khu tái định cư di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất và nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét tại xã Linh Thông.
Khu tái định cư được xây dựng ngay giữa trung tâm xã, cách khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất khoảng 4km. Dự án có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng với tổng diện tích 1,92ha, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho 32 hộ gia đình. Sau hơn 1 năm tích cực triển khai, đến tháng 12-2017, Dự án đã chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng với hạ tầng khá đồng bộ, bao gồm đường giao thông kiên cố, hệ thống điện, công trình cấp nước sạch, nhà văn hóa... Theo quy định, mỗi hộ gia đình được cấp 300m2 đất tại khu tái định cư và hỗ trợ số tiền 20 triệu đồng/hộ từ nguồn ngân sách Trung ương, riêng đối với hộ nghèo được nhận thêm 20 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh để ổn định cuộc sống. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ này, đến nay, các hộ gia đình đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà cửa và dọn đến nơi ở mới.
Có mặt tại Khu tái định cư Linh Thông, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang, kiên cố; đường giao thông rộng rãi, bê tông hóa; hệ thống nước sạch, điện lưới Quốc gia được kéo đến từng hộ gia đình; Nhà văn hóa vừa mới hoàn thiện phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các hộ dân. Giờ đây, bà con đã thực sự yên tâm sinh sống, không còn cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi trời mưa bão như trước kia.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Phan Thị Mùi, xóm Làng Mới phấn khởi cho biết: Gia đình tôi chuyển về đây sinh sống được hơn 2 tháng. Với 300m2 đất và 40 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi đã xây dựng ngôi nhà cấp 4 rộng gần 100m2. Diện tích còn lại tôi xây dựng chuồng trại chăn nuôi và 1 xưởng sản xuất đồ mộc mỹ nghệ từ số vốn 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi để từng bước ổn định cuộc sống.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực chuồng trại chăn nuôi đang xây dựng của gia đình mình, ông Hoàng Văn Kim, xóm Nà Trác cho hay: Do mới chuyển về đây một thời gian ngắn nên hầu hết các hộ gia đình đều dành thời gian gây dựng lại nhà cửa, ổn định chỗ ở trước sau đó mới tập trung xây dựng chuồng trại chăn nuôi và bắt tay vào sản xuất. So với nơi ở cũ trước đây thì khu tái định cư mới có điều kiện tốt hơn rất nhiều.Vừa gần trung tâm xã, đường sá đi lại thuận tiện lại có đầy đủ điện, nước sinh hoạt. Nhờ đó, bà con sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Linh Thông cho biết: Từ khi chuyển đến nơi ở mới bà con nhân dân đều rất phấn khởi, yên tâm sinh hoạt, lao động sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Trong số 32 gia đình phải di dời thì có 22 gia đình thuộc diện hộ nghèo, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống ở nơi ở mới, UBND xã đã đề nghị với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, đã có trên 20 hộ gia đình được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền gần 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để người dân áp dụng vào sản xuất. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn 135 và các nguồn vốn khác để người dân có điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi, có thêm thu nhập từng bước ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của các hộ dân khi chuyển đến nơi ở mới đó là toàn bộ diện tích đất canh tác của họ vẫn ở nơi ở cũ cách đó khoảng 4km. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của bà con. Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn này không phải là điều đơn giản. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ vận động bà con từng bước chuyển đổi cơ câu cây trồng cho phù hợp với điều kiện canh tác ở xa, ưu tiên trồng các loại cây ăn quả và cây lâm nghiệp tốn ít công chăm sóc. Về lâu dài, UBND xã sẽ huy động các nguồn lực đầu tư kiên cố hóa các tuyến đường để việc đi lại phục vụ sản xuất của bà con được thuận lợi.
Từ mùa mưa bão năm nay, 32 hộ gia đình với 146 nhân khẩu sinh sống ở vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất của xã Linh Thông sẽ không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ nữa. Bà con đã có thể yên tâm sinh sống, phát triển sản xuất. Cuộc sống mới với tương lai tươi sáng hơn đang dần mở ra đối với họ…