“Đòn bẩy” để phát triển các làng nghề

10:29, 11/09/2018

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 240 làng nghề và làng nghề truyền thống. Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng không ít làng nghề vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Trước tình hình đó, Đề án triển khai nhân rộng làng nghề điểm của tỉnh được triển khai thực hiện, tập trung hỗ trợ máy móc, thiết bị và đào tạo nghề cho người dân ở các làng nghề. Đây được xem là “đòn bẩy” góp phần giúp các làng nghề phát triển.

Từ giữa năm 2017, qua khảo sát thực tế và nhu cầu của người dân, Hiệp hội Làng nghề tỉnh và Sở Công Thương đã lựa chọn Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung ở xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) là một trong những đơn vị được thụ hưởng Đề án triển khai nhân rộng làng nghề điểm của tỉnh. Theo đó, Làng nghề được hỗ trợ 50% kinh phí để mua 4 máy đục gỗ vi tính với tổng trị giá 220 triệu đồng. Là 1 trong 4 chủ hộ được hỗ trợ máy móc, anh Dương Văn Doanh, thành viên Làng nghề cho biết: Trước đây, để đục xong một chi tiết sản phẩm phải tốn ít nhất 3 công thợ, nhưng với máy đục vi tính thì có thể cùng một lúc hoàn thành 8 đầu sản phẩm, thời gian được rút ngắn gấp nhiều lần. Không chỉ giúp nâng cao năng suất, ưu điểm của máy móc hiện đại là sản xuất được những sản phẩm đều, đẹp và hạn chế tối đa sai sót. Từ khi gia đình tôi được hỗ trợ, nhiều người dân trong Làng nghề đã đến tham quan, tìm hiểu và quyết định đầu tư mua sắm sau khi được tận mắt chứng kiến tính ưu việt của máy móc...

Cùng với Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung, từ năm 2015 đến nay đã có 10 làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ máy móc, thiết bị theo Đề án triển khai nhân rộng làng nghề điểm (mỗi năm có từ 2-3 làng nghề điểm). Trong đó có 9 làng nghề chè, 1 làng nghề làm bánh chưng. Các làng nghề, làng nghề truyền thống được hỗ trợ tập trung ở các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ và T.X Phổ Yên. Các loại máy móc thiết bị được hỗ trợ chủ yếu phục vụ cho sản xuất, chế biến chè, đồ gỗ mỹ nghệ. Cụ thể: 237 tôn quay, 216 máy vò chè, 6 máy hút chân không, 4 máy xẻ gỗ, 10 nồi luộc bánh chưng và một số tủ đông, tủ mát bảo quản, với tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí Nhà nước hỗ trợ 50%, đơn vị được thụ hưởng Đề án đóng góp đối ứng 50%. Có mặt tại buổi bàn giao máy móc, thiết bị chế biến chè cho Làng nghề chè cụm Khe Cốc, xóm Bãi Bằng, xã Tức Tranh (Phú Lương) mới đây, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân. Ông Phạm Duy Tiên, Trưởng Làng nghề cho biết: Thực hiện Đề án, có 35 hộ dân trong Làng nghề được hỗ trợ 26 bộ tôn quay và 36 bộ máy vò chè với tổng giá trị gần 440 triệu đồng. Đây là động lực rất lớn để chúng tôi mở rộng quy mô, phát triển sản xuất theo hướng thị trường, từ đó có điều kiện để chăm chút mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, việc hỗ trợ máy móc đúng vào dịp chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa - Làng nghề của huyện năm 2018, do đó bà con ai nấy đều phấn khởi thi đua sản xuất, nâng cao tay nghề để chuẩn bị tham dự Ngày hội.

Chị Nguyễn Thị Thúy, ở Làng nghề chè truyền thống xóm Liên Cơ, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) - là 1 trong 3 làng nghề điểm được hỗ trợ máy móc, thiết bị năm nay, chia sẻ: Trước đây, người dân Làng nghề chủ yếu sử dụng tôn sao chè bằng sắt và cối vò chè 3 chân loại nhỏ nên mỗi lần vò chè chỉ được 0,8-1kg chè. Trong khi đó, máy vò chè inox cho ra 1,5kg/lần, chè làm ra có cánh đẹp, nhỏ và ít bị vụn nát hơn hẳn khi trước. Thêm vào đó, các loại máy inox có tuổi thọ cao hơn (5-10 năm) với chất liệu bảo đảm, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Được biết, từ những hỗ trợ của Đề án nhân rộng làng nghề điểm đã nâng số hộ dân có máy móc, thiết bị chế biến chè ở xóm Liên Cơ lên 100% (hơn 40 hộ).

Bên cạnh sự hỗ trợ từ Đề án nhân rộng làng nghề điểm, những năm qua, làng nghề là một trong những loại hình kinh tế tập thể nhận được sự quan tâm sát sao của tỉnh. Sau khi được UBND tỉnh công nhận, mỗi làng nghề sẽ được hỗ trợ 35 triệu đồng/làng nghề và 40 triệu đồng/làng nghề truyền thống để xây dựng cổng làng nghề và tổ chức lễ đón Bằng công nhận. Ngoài ra, các làng nghề còn được hưởng nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực như: Tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề; được hỗ trợ xây dựng trang web riêng, thiết kế, in ấn quảng bá hình ảnh sản phẩm; tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm… Ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh cho biết: Nhìn chung, quy mô của phần lớn cơ sở sản xuất tại các làng nghề hiện còn khá khiêm tốn, thêm vào đó việc sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu đã khiến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm chưa cao, do vậy các làng nghề gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng thương hiệu, khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Việc hỗ trợ về máy móc, thiết bị, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại… chính là nhằm kích cầu mua sắm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất cho người dân tại các làng nghề với hy vọng thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm và ổn định được đầu ra.