Trong khi dư nợ tháng 7 giảm nhẹ (giảm 105 tỷ đồng) so với tháng trước, đạt 48.583 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cuối năm 2017, thì tính đến cuối tháng 8, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã đạt 49.247 tỷ đồng, tăng 6,64% và dự kiến đến hết tháng 9 sẽ đạt 49.800 tỷ đồng, tăng 7,84% so với cuối năm 2017.
Tuy nhiên, dù là tháng có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng cao nhất từ đầu năm tới nay, nhưng do các tháng trước, mức tăng này không cao nên so với tăng trưởng chung toàn ngành là 8,54% thì dư nợ tín dụng của tỉnh 8 tháng qua được đánh giá là đạt thấp và đây cũng là mức tăng trưởng đạt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo mục tiêu, định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tỉnh năm nay là 15%, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, cung ứng vốn hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Để đạt được mục tiêu đề ra, một trong những giải pháp được NHNN tỉnh và các ngân hàng thương mại chú trọng thực hiện trong những tháng cuối năm là tiếp tục đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp, cho vay chương trình bình ổn thị trường, tập trung nguồn vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên, xây dựng nông thôn mới…
Về huy động nguồn vốn 8 tháng qua đạt khá cao, với 51.780 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, theo dự báo, những tháng cuối năm, tốc độ này sẽ có xu thế chậm lại do vào dịp cuối năm, nhu cầu về nguồn vốn để tích trữ hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết đặc biệt là Tết Nguyên đán tăng cao.