Với mục tiêu hướng tới bảo đảm phúc lợi động vật, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường…, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện một số dự án, mô hình về chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Một trong những dự án đó là "Tăng cường an toàn sinh học và quản lý chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn ASEAN GAHP thực hành chăn nuôi tốt" do Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh thực hiện. Triển khai trong năm 2017 với 10 hộ dân ở các huyện Phú Bình, Phú Lương và thị xã Phổ Yên tham gia. Ông Nguyễn Văn Khôi, người tham gia Dự án, ở xã Tân Thành (Phú Bình) nói: Chúng tôi được tập huấn về chăn nuôi gà an toàn sinh học, được tìm hiểu về các nội dung cần thực hiện khi áp dụng tiêu chuẩn ASEAN GAHP; cách ghi biểu mẫu, sổ sách trong quá trình chăn nuôi; cách ủ phân compost…
Theo đó, thành công lớn nhất khi các hộ dân thực hiện Dự án này là giảm được dịch bệnh và chi phí đầu tư chăn nuôi đàn gà. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh cho biết: Các hộ dân tham gia Dự án đều khẳng định là giảm chi phí vắc xin; giảm được bệnh trên đàn gà do giữ được môi trường thông thoáng nhờ dọn vệ sinh đúng cách và cách ly tốt với bên ngoài; kiểm soát được bệnh đầu đen, cầu trùng, tiêu chảy trên đàn gà. Trước đây, mỗi lứa gà, cứ 1.000 còn thì chi phí đầu tư hết khoảng 10 triệu đồng tiền thuốc thì nay đã giảm được 30% chi phí.
Không dừng lại ở đó, khi tham gia Dự án, người dân còn tiết kiệm được thuốc khử trùng. Trước đây, một số hộ vẫn sử dụng thuốc khử trùng định kỳ 1 tuần/lần trong chuồng gà; phun liều lượng không theo hướng dẫn thì nay đã phun đúng liều lượng, giảm được lượng thuốc sát trùng xung quanh chuồng nuôi, từ đó giúp giảm được khoảng 50% lượng thuốc sát trùng. Đặc biệt, sau khi tham gia Dự án, môi trường, cảnh quan chuồng trại của bà con thuận lợi, thân thiện hơn; thời gian chăm sóc giảm mà đàn gà lại phát triển đồng đều, khỏe mạnh. Thêm vào đó, đã hình thành được thói quen tốt như người chăn nuôi ghi sổ sách, quản lý, lưu trữ hồ sơ trong quá trình chăn nuôi; có thói quen thực hành chăn nuôi tốt, từ việc cách ly, kiểm soát ra, vào đến việc vệ sinh sạch sẽ bề mặt chuồng trại trước khi phun thuốc khử trùng…
Tương tự như Dự án nêu trên, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông Phú Lương thực hiện mô hình Ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học (ATSH) tại 6 hộ dân ở các xóm Cây Khế, Gia Trống, xã Yên Đổ (Phú Lương) với quy mô 5.000 con gà thịt thương phẩm (mỗi hộ nuôi từ 500 đến 1.000 con). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, thức ăn, thuốc thú y; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng phòng trừ dịch bệnh theo quy trình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học. Giống gà cấp cho mô hình là giống gà Lượng Huệ, do cơ sở sản xuất gia cầm có uy tín về chất lượng giống cung cấp.
Được triển khai tháng 5 vừa qua, đến nay, đàn gà đã được xuất bán. Với tỷ lệ nuôi sống cao (đạt 95%), trọng lượng bình quân đạt 2 kg/con, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn 2,75 kg /kg thể trọng, các chỉ tiêu của đàn gà đều đạt so với yêu cầu mô hình đề ra. Các hộ tham gia mô hình rất phấn khởi khi chăn nuôi gà an toàn sinh học cho thu nhập cao hơn. Cụ thể, giá bán gà đang ở mức 65.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí (chưa tính công lao động), 100 con gà thịt an toàn sinh học cho lãi gần 6,5 triệu đồng. Trong khi các hộ nuôi ngoài mô hình tỷ lệ hao hụt cao; nuôi 4 tháng, 100 con gà thịt tiêu tốn 3 – 3,5kg thức ăn/kg thể trọng, lợi nhuận chỉ 3 – 3,5 triệu đồng.
Trên đây chỉ là những minh chứng cho thấy hiệu quả của việc chăn nuôi gà an toàn sinh học, đã ngăn ngừa và hạn chế sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh, giữ cho đàn gà khỏe mạnh, nâng cao năng suất, giảm chi phí thuốc thú y, tăng thêm thu nhập cho người chăn nuôi và cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh ta chưa thực hiện được nhiều dự án, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học quy mô lớn, mỗi năm, ngành Nông nghiệp mới thực hiện thí điểm từ 2 đến 5 mô hình quy mô nhỏ.
Bởi vậy, để nhân rộng các dự án, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh nên tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học cho người dân; tiếp tục giúp đỡ các hộ chăn nuôi thành lập hợp tác xã, để liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm được chế biến từ đàn gà chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gà nói riêng...