Sau hơn 7 năm triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, với 68 xã đã về đích và dự kiến sẽ có thêm 22 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2018. Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành mục tiêu XDNTM vào năm 2020. Có nhiều yếu tố để đạt kết quả này, trong số đó là nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng.
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, nguồn vốn tín dụng dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, xây dựng NTM nói riêng ngày càng tăng qua các năm và số người được thụ hưởng từ chương trình này cũng ngày càng nhiều. Nếu như cuối năm 2010, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn mới đạt 3.582 tỷ đồng, với gần 97,5 nghìn khách hàng còn dư nợ và cơ bản chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) và Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho vay, thì tính đến đầu tháng 9-2018, dư nợ cho vay đã đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, với trên 175 nghìn khách hàng còn dư nợ, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ toàn địa bàn, với hàng chục ngân hàng tham gia cho vay.
Từ nguồn vốn tín dụng này, hàng trăm nghìn hộ gia đình đã có điều kiện mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và phục vụ nhu cầu tiêu dùng…, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hộ nông dân, đặc biệt là nông dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, hạn chế đáng kể tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Thái Nguyên - một trong những ngân hàng chủ đạo trong cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, XDNTM nói riêng, chia sẻ: Nếu như trước đây, tổng nguồn vốn huy động luôn thấp hơn tổng dư nợ cho vay, thì khoảng 5 năm trở lại đây, Agribank Thái Nguyên luôn trong tình trạng thừa vốn, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người dân. Tính đến cuối tháng 8, huy động vốn của Chi nhánh đạt 13.910 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay là 10.611 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay NTM đạt 4.750 tỷ đồng (trên tổng số 7.745 tỷ đồng cho vay nông nghiệp, nông thôn), với hơn 44 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong số dư nợ cho vay XDNTM, chiếm trên 95% là để phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; 5% còn lại là dư nợ cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng và tiêu dùng ở nông thôn.
Còn theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, trong tổng số trên 3.200 tỷ đồng dư nợ hiện nay của Chi nhánh, có đến 90% nguồn vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, cũng chính là để XDNTM; 10% còn lại là cho vay học sinh, sinh viên, xuất khẩu lao động. Do nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương, trong khi ở một số chương trình cho vay còn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân nên Chi nhánh luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực để cho vay đối với các xã đăng ký về đích NTM.
Cũng theo ông Lê Văn Hồng và ông Lã Hùng Cường, ưu điểm nổi bật nhất của nguồn vốn vay từ 2 ngân hàng này hiện nay đó là người vay không cần tài sản đảm bảo, lãi suất vay thấp hơn so với vay vốn thông thường, thời gian vay kéo dài và thủ tục vay đơn giản. Mặc dù chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả nguồn vốn vay đối với người dân nhưng với Ngân hàng thì điều này có thể hiện khá rõ ở tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng luôn ở mức thấp: 0,05% trên tổng dư nợ cho vay đối với NHCSXH và 0,37% đối với Agribank Thái Nguyên; tỷ lệ thu nợ, lãi đúng hạn luôn đạt cao.
Đồng tình với nhận định, đánh giá của đại diện lãnh đạo các ngân hàng, ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình dẫn chứng: Với hơn 30 nghìn hộ dân, trong đó có trên 80% số hộ tham gia sản xuất nông nghiệp, thì hiện toàn huyện có đến gần 20 nghìn hộ đang còn dư nợ tại các ngân hàng (chiếm khoảng 70% số hộ), với tổng dư nợ khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ dân mới có điều kiện để xây dựng chuồng trại, mua sắm máy móc, thiết bị, phục vụ chăn nuôi, trồng trọt, phát triển dịch vụ, thương mại…, góp phẩn tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhờ đó, huyện đã giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo hàng năm - một trong những tiêu chí xây dựng NTM.
Thêm một tin vui đối với ngân hàng và người dân đó là mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tăng mức cho vay gấp 2 lần so với hiện nay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, HTX, liên hiệp HTX và chủ trang trại khi không có tài sản đảm bảo.
Nghị định số 116 cũng bổ sung quy định đối với những doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án…
Sự thay đổi này được xem là cần thiết, kịp thời để giúp các hộ nông dân tiếp thêm sinh lực trong phát triển kinh tế hộ, cũng như giúp việc xây dựng NTM của các địa phương thêm hiệu quả, bền vững.