Nhiều bất cập, hạn chế được yêu cầu làm rõ

14:50, 25/09/2018

Tiếp tục chương trình giám sát kết quả thực hiện chính sách pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, sáng 25-9, Tổ công tác số 1 do đồng chí Nguyễn Văn Mậu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách và Tổ công tác số 2 do đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Trưởng ban Pháp chế làm Trưởng đoàn đã thực hiện giám sát tại Sở Công Thương và Sở Xây dựng.

* Theo báo cáo của Sở Xây dựng, thời gian qua, Sở đã quan tâm, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, qua đó giúp từng bước nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của mọi đối tượng trên địa bàn tỉnh. Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt, bổ sung 103 điểm mỏ (trong đó có 8 điểm đá cát kết, 16 điểm cát sỏi, 3 điểm đất sét gạch ngói, 76 điểm đất san lấp) vào quy hoạch theo quy định; tiếp nhập, thẩm định 60 hồ sơ thiết kế cơ sở các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; tiến hành 3 đợt thanh, kiểm tra đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn… Bên cạnh đó, Sở cũng đã đưa ra một số hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như việc chấp hành thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

 Các thành viên Tổ công tác số 2 đã đề nghị Sở Xây dựng trao đổi, làm rõ nhiều nội dung có liên quan, như: Những bất cập, chưa đồng bộ trong chính sách pháp luật về khoảng sản cụ thể là gì? Việc khai thác không đúng với thiết kế và quy định tại hầu hết các điểm mỏ, vai trò và trách nhiệm của Sở ra sao? Tình trạng doanh nghiệp trong một năm vẫn bị nhiều lần kiểm tra của nhiều sở vẫn còn, tại sao không có sự phối hợp giữa các sở, ngành để tránh làm phiền cho doanh nghiệp? Để được cấp phép mỏ đất san lấp là rất khó khăn nhưng trên thực tế thì tình trạng khai thác trái phép này trong dân lại rất phổ biến, nguyên nhân và giải pháp quản lý để tránh gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước…

* Theo báo cáo của Sở Công Thương: Trên cơ sở Luật Khoáng sản, thời gian qua, Sở đã tham mưu, đề xuất và tổ chức xây dựng Quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sở đã thẩm định 38 hồ sơ thiết kế mỏ và dự án đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản; cấp gần 200 giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp. Lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý gần 280 vụ vi phạm hành chính về hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép và các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực khoáng sản, thu nộp ngân sách nhà nước trên 3,7 tỷ đồng. Công tác thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm pháp luật về khoáng sản cũng như phối hợp với cơ quan chuyên môn và địa phương trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ liên quan được ngành Công Thương quan tâm thực hiện.

Mặc dù vậy, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do: Trình độ công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn chậm đổi mới; hiện tượng khai thác không đúng thiết kế mỏ, quy trình quy phạm khai thác gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng tới môi trường còn xảy ra ở một số nơi,...

Tổ công tác số 1 đã yêu cầu đơn vị làm rõ một số nội dung liên quan, như: Thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Sở đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri về ảnh hưởng từ hoạt động nổ mìn trong khai thác mỏ; công tác phối hợp trong thẩm định thiết kế khai thác mỏ và cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ; quy hoạch các cơ sở chế biến, liên kết cung ứng nguồn nguyên liệu để chế biến sâu khoáng sản giữa các doanh nghiệp; hình thức xử lý đối với các đơn vị tái phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản...

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo 2 sở được giám sát đã làm rõ nhiều nội dung cần trao đổi với thành viên 2 tổ công tác. Những ý kiến cần được làm rõ thêm để trả lời sẽ được các sở báo cáo sau bằng văn bản. Trên cơ sở này, các tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh để kiến nghị với cấp có thẩm quyền của Trung ương và tỉnh, giúp việc thực hiện chính sách pháp luật về khoáng sản trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn.