Trong xu thế hội nhập hiện nay, ngành Nông nghiệp cần phát triển theo hướng công nghệ cao. Đây vừa là nhu cầu nhưng cũng là nhiệm vụ cấp thiết đối với các cấp chính quyền, doanh nghiệp (DN) và người nông dân. Tuy nhiên, muốn phát triển nông nghiệp theo hướng thông minh, gắn sản xuất với thị trường thì phải có sự đồng hành của các DN tiềm năng.
Thời gian gần đây, nhiều DN tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bước đầu khẳng định thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm. Có thể ghi nhận một số DN trong nước đầu tư thành công vào lĩnh vực này với các thương hiệu mạnh, như: Vineco, Hoành Anh Gia Lai, TH true milk, Vinamilk cùng một số tên tuổi mới như Công ty Ca cao CIC tại Đắk Lắk ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Isarael; Công ty sữa Nutifood đầu tư vào lĩnh vực cà phê; Công ty CP Tập đoàn Pan đầu tư hoa tươi công nghệ cao xuất khẩu sang Nhật Bản...
Còn ở Thái Nguyên, cũng đã bắt đầu xuất hiện một số mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, như: Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc đầu tư trang trại nông nghiệp sạch với quy mô 26ha; Công ty CP chế biến nông sản Thái Nguyên kết nối với các địa phương sản xuất nông nghiệp an toàn; HTX Rau an toàn Trung Na có quy mô sản xuất rau sạch khoảng 30ha…
Thực tế cho thấy, đã có một số DN lớn thực sự muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhưng vẫn còn nhiều DN chưa mặn mà. Bên cạnh đó, lại có DN đầu tư chủ yếu để hưởng lợi chính sách ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều DN nhận được nguồn vốn ưu đãi từ Chính phủ mới chỉ tập trung vào trồng rau trong khi người tiêu dùng cần cả rau, thịt và cá. Còn dư luận nhân dân thì phản ánh, sản phẩm DN làm ra phần nào giúp người tiêu dùng không phải ăn thực phẩm bẩn, nhưng giá thành lại quá cao, nên không phải người dân nào cũng được sử dụng sản phẩm sạch.
Chúng ta đều biết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm và mang lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân, hướng tới mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế đề ra hàng năm của mỗi địa phương, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này không hề dễ. Thời gian qua, Nhà nước đã có một số cơ chế ưu tiên DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có các chính sách về đầu tư, vốn vay, đất đai… Và thực tế đã có nhiều đơn vị, DN, hệ thống ngân hàng, các quỹ đầu tư đang dịch chuyển vốn, đầu tư, kinh doanh sang khu vực nông nghiệp.
Mặc dù vậy, để chính sách sớm đi vào thực tiễn, giúp khu vực nông nghiệp có thêm nhiều DN lớn đầu tư theo hướng công nghệ cao, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.