Mô hình nuôi ếch của anh Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1989), ở tổ dân phố Tân Huyện, phường Phố Cò (T.P Sông Công) cho hiệu quả kinh tế khá cao, bước đầu cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Đến thăm mô hình nuôi ếch của anh Tùng vào một ngày cuối tháng 9, chúng tôi thấy có nhiều ếch con mới được thả trong bể xi măng rộng khoảng 12m2, cao 0,9m. Phía trên của bể được che bằng một tấm lưới đen nhằm giảm ánh nắng. Ếch được nuôi trên một tấm lưới, cách đáy bể khoảng 20cm. Phía bên dưới bể, anh Tùng nuôi thêm cá trê lai vừa có thêm nguồn thực phẩm cho gia đình vừa để dọn phân của ếch.
Nói về ý tưởng nuôi ếch, anh Tùng chia sẻ: 5 năm trước, tôi làm nghề lái xe taxi, ngày có khách, ngày không có khách, thu nhập 1 tháng cũng chỉ được khoảng 5 triệu đồng. Cuối năm 2017, một người bạn của tôi rủ đi tìm hiểu thêm về mô hình nuôi ếch ở Hà Nội. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy mô hình này rất hay, cho thu nhập khá cao. Hơn nữa, trên địa bàn T.P Sông Công lại chưa có ai làm. Tháng 4-2018, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng 9 bể để nuôi 10.000 con ếch. Sau 2 tháng nuôi, mỗi con ếch nặng từ 2,5 - 3 lạng, lứa ếch đầu tiên tôi xuất bán được 1,3 tấn. Với giá bán trung bình là 45.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, tôi thu lãi 22 triệu đồng. Hiện, tôi đang nuôi lứa ếch thứ 4.
Anh Tùng đang giống ếch Thái Lan (được nhập từ trại giống ở Hà Nội với giá 1.200 đồng/con). Giống ếch này khá dễ nuôi, ít bệnh tật, sinh trưởng nhanh (chỉ 60-70 ngày là được xuất bán). Tuy nhiên, loại ếch này hay bị trương bụng, vì thế trong quá trình nuôi cần quan sát, để ý, nếu thấy ếch có biểu hiện trương bụng là phải tách riêng, cho ăn thức ăn trộn lẫn thuốc kháng sinh hoặc tỏi xay để điều trị trong 5 ngày liên tục. Ngoài ra, khi nuôi ếch phải cho ăn (cám dành cho cá có vẩy) và thay nước 2 lần/ ngày, duy trì ở mực nước 1cm (vì ếch là động vật lưỡng cư, thay da thường xuyên); 1 tuần khử trùng bể 1 lần bằng dung dịch thuốc tím để diệt vi khuẩn gây bệnh cho ếch.
Từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm là thời gian ếch sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Sau khi nuôi chung trong 1 bể được khoảng 15 ngày, nên tách dần ếch ra các bể khác nhau (mỗi bể khoảng 1.000 con), tránh tình trạng ếch đói mà ăn lẫn nhau, dẫn đến hao hụt đàn.
Chia sẻ về những rủi ro trong quá trình nuôi ếch, anh Tùng cho biết: Lúc đầu nuôi, do chưa có kinh nghiệm phát hiện bệnh trương bụng, đàn ếch 10.000 con chết mất 2.500 con. Tôi thấy rất nản nhưng không vì thế mà từ bỏ. Tôi đã tìm hiểu thêm cách chăm sóc và trị bệnh cho ếch ở các trại giống và trên sách, mạng internet, dần dần tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi.
Nói về dự định thời gian tới, anh Tùng cho biết thêm: Nuôi ếch có đầu ra ổn định, thậm chí cung không đủ cầu. Đến kỳ xuất bán đều được thương lái ở các tỉnh khác đặt mua hết. Sang năm 2019, tôi sẽ che chắn 9 bể nuôi hiện tại bằng các tấm nhựa sáng để nuôi ếch cả mùa đông. Đồng thời, mở rộng quy mô nuôi ếch lên 20.000 con trên cả diện tích mặt ao, vì nuôi ếch ở ao sẽ nhanh lớn hơn nhiều so với nuôi ếch trong bể xi măng. Bên dưới ao, tôi sẽ nuôi thêm cá rô phi để tận dụng phân và thức ăn thừa của ếch.