Thị xã Phổ Yên là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu để phát triển cây chè với diện tích khoảng 1.700ha (tập trung chủ yếu ở các xã, phường: Phúc Thuận, Phúc Tân, Thành Công, Minh Đức và Bắc Sơn). Thời gian qua, Thị xã chú trọng thành lập các tổ sản xuất (TSX) chè VietGAP nhằm nâng cao giá trị cây chè, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, cho biết: Căn cứ vào điều kiện thực tế và những lợi thế của địa phương, những năm gần đây, Thị xã đã khuyến khích người dân cải tạo đất và đưa các giống chè cành (LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên…) vào trồng thay thế các giống chè cũ, năng suất thấp. Hằng năm, Thị xã cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức trên 50 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè cho hàng nghìn lượt hộ dân. Đặc biệt, Thị xã đã định hướng bà con thành lập các TSX chè VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè. Đến nay, Thị xã đã thành lập được 8 TSX chè VietGAP với diện tích trên 100ha, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương. Qua theo dõi và đánh giá của cơ quan chuyên môn, các TSX trên đều phát huy hiệu quả, góp phần tăng năng suất chè (từ 90 tạ/ha (năm 2011) lên khoảng 115 tạ/ha hiện nay); giá bán 1kg chè cao hơn trước từ 1,2-1,5 lần); ý thức của người dân trong sản xuất chè đảm bảo an toàn được nâng lên rõ rệt.
Năm 2017, TSX chè VietGAP xóm Lầy 5, xã Minh Đức đã được thành lập gồm 8 thành viên tham gia sản xuất với diện tích 10ha chè. Anh Ngô Văn Khoa, Tổ trưởng TSX chè VietGAP xóm Lầy 5, cho biết: Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã xây dựng nguyên tắc nhất quán từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm. Sau mỗi lứa thu hái, các thành viên đều tổ chức họp để rút kinh nghiệm, đồng thời trao đổi, thảo luận về kế hoạch sản xuất cho lứa tiếp theo. Nhờ đó, các bãi chè đẹp hơn, búp chè chất lượng hơn, mỗi năm thu hái được 7-8 lứa thay vì 5-6 lứa như trước đây. Từ năm 2017 đến nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, Thị xã đã hỗ trợ 7 hộ thành viên vay vốn, mỗi hộ 50 triệu đồng; hỗ trợ 4 hệ thống tưới phun sương tự động cho 4 hộ, trị giá 15 triệu đồng/hộ. Từ những chính sách ưu đãi, hỗ trợ này, người dân đã chủ động đầu tư mở rộng diện tích chè, trang bị hệ thống sao, sấy chè tiện ích hơn…
Chị Nguyễn Thị Thoa, thành viên TSX chè VietGAP xóm 4 - 6, xã Phúc Tân, cho biết: Khi tham gia TSX chè an toàn tôi thấy cái lợi đầu tiên là được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm. Đến nay, chúng tôi đã thành thạo trong việc nhận diện các loại sâu bệnh gây hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; thời gian phun thuốc, thu hái đều được ghi chép cẩn thận, chi tiết trong sổ tay nông hộ. Ban đầu, tôi thấy rất khó khăn khi phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, nhưng sau thời gian áp dụng quen dần, chất lượng chè được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều do có sự liên kết, giới thiệu sản phẩm. Gia đình tôi có 3 sào chè an toàn, giá bán dao động từ 200-220 nghìn đồng/kg tùy loại, sau khi trừ chi phí cho thu lãi gần 10 triệu đồng/lứa. Vừa qua, tôi đã mạnh dạn cải tạo đất vườn đồi để mở rộng diện tích, lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động nhằm giảm công lao động.
Có thể thấy rằng, việc thành lập các TSX chè VietGAP không chỉ định hướng trong việc sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm mà còn nâng cao giá trị kinh tế của cây chè. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, so với chè thông thường, chè được chăm sóc theo quy trình VietGAP năng suất tăng 10%; thu nhập người trồng chè tăng 7 triệu/ha; giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 3,5 triệu/ha xuống còn 2,5 triệu đồng.
Để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, Thị xã cũng thường xuyên tổ chức hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Thị xã có 1 sản phẩm Lộc trà thượng hạng (Công ty CP Thương mại trà Việt Thái, xã Phúc Thuận) được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu tiểu khu vực phía Bắc; 3 sản phẩm trà của Thị xã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Hiện, toàn Thị xã có 26 làng nghề chè được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề trồng, chế biến chè.
Để tiếp tục nâng cáo giá trị kinh tế của cây chè, thời gian tới, T.X Phổ Yên sẽ phấn đấu có thêm 4 TSX chè VietGAP được cấp Giấy chứng nhận với tổng diện tích 40ha tại các xã: Minh Đức, Phúc Tân và Thành Công.