Chàng sinh viên với giấc mơ làm nông nghiệp sạch

10:06, 05/10/2018

Đang theo học ngành thiết kế cơ khí, Vũ Văn Cường, chàng sinh viên năm thứ 5 Trường Đại Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) có một quyết định đầy táo bạo khi lựa chọn hình thức khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao ngay tại quê nhà. Mô hình sản xuất dưa lưới Nhật Bản công nghệ cao, của Cường đã bước đầu đem lại hiệu quả khả quan.

Xuất thân từ vùng đất thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chính, từ nhỏ, Cường đã chứng kiến việc bà con làng xóm dựa vào phân vô cơ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... Gia đình ở gần đồng, cứ vào vụ là cả nhà lại kêu nhức đầu, chóng mặt vì mùi thuốc trừ sâu. Bước chân vào giảng đường đại học nhưng trong tâm trí của chàng trai trẻ luôn ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp bằng nông nghiệp sạch ngay tại quê nhà. Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Cường vừa học, vừa nghiên cứu, làm thêm đủ thứ nghề để tích lũy vốn, kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện giấc mơ của mình. Sau nhiều năm lên ý tưởng, kế hoạch kỹ lưỡng, em quyết định bước khởi đầu với việc trồng dưa lưới Nhật Bản. Tháng 2 vừa qua, chàng sinh viên này đã mạnh dạn đầu tư trên 150 triệu đồng xây dựng trang trại. Đây là số vốn do Cường tích lũy sau nhiều năm làm thêm và được gia đình hỗ trợ một phần.

Trang trại của Cường ở tiểu khu Lê Hồng Phong, thị trấn Đu (Phú Lương) nằm cách nơi gia đình em đang sinh sống (xóm 9, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương) chừng 12km, nhưng Cường bảo, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh, em có thể theo dõi, thực hiện các công chăm sóc dưa thường ngày một cách dễ dàng. Đến thăm trang trại, chúng tôi ấn tượng bởi hầu hết các quy trình đều được tự động hóa. Với thiết kế theo hệ thống nhà màng, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến, như: Sử dụng hệ thống bón phân, tưới nước tự động, gieo trồng trên giá thể, bán thủy canh, kiểm soát dinh dưỡng, độ ẩm… Điều đặc biệt, các hệ thống điều khiển bón phân, đo độ ẩm, tưới tự động và phần mềm quản lý trên điện thoại đều do Cường thiết kế, chế tạo ra.

 Cường cho biết: “Vận dụng những kiến thức đã học được ở trường, lớp, em đã mày mò chế tạo ra những thiết bị này. Nhờ vậy đã giảm được tối đa chi phí đầu tư. Theo em, trong thời buổi này, nhiều nghành, lĩnh vực đều đòi hỏi áp dụng công nghệ vào sản xuất. Làm nông nghiệp cũng vậy, những trang thiết bị, vật tư hiện đại đều cần áp dụng kiến thức công nghiệp, công nghệ để đạt hiệu quả cao”.

Giống dưa mà Cường chọn gieo trồng là Taki ruột cam, được nhập hạt giống từ Nhật Bản, cho quả giòn, ngọt, thơm, một trong những loại dưa nổi tiếng tại đất nước mặt trời mọc. Sở dĩ Cường chọn giống dưa lưới này vì đây là sản phẩm nông nghiệp mới tại địa phương. Tuy nhiên, vì là sản phẩm mới nên việc giúp người tiêu dùng biết và lựa chọn loại quả này sẽ tốn nhiều thời gian. Do đó, vụ đầu tiên, Cường xác định trồng thử nghiệm 120 gốc để quảng cáo, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đầu tư theo hướng bài bản, lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, nên sau hơn 2 tháng, trang trại đã cho “trái ngọt”. Nhận thấy bước đầu có hiệu quả, Cường mở rộng quy mô lên 500 gốc. Chỉ trong thời gian ngắn, một siêu thị lớn tại Hà Nội đã đồng ý ký kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm dưa lưới của Cường.

Theo Cường, sản lượng 1 vụ/200m2 với 500 gốc (trong thời gian 2,5 tháng) đạt gần 6 tạ dưa lưới, với giá bán buôn tại trang trại là 42.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 25 triệu đồng, trừ chi phí thì còn lãi 18 triệu đồng/vụ. Quy trình chăm sóc hầu hết đều tự động hóa và được theo dõi qua điện thoại, nên em không tốn nhiều thời gian và bị ảnh hưởng đến việc học. Ngoài ra, Cường còn đầu tư trồng rau sạch trong nhà lưới cùng 3 người bạn tại xã Sơn Cẩm (Phú Lương). Với diện tích 3.000m2 gồm các loại: Rau mồng tơi, cải ngọt, cải canh, dền, muống, mướp đắng, dưa leo, bí,… hiện đang cung ứng cho trên 40 hộ dân trong vùng.

Cường chia sẻ: “Em nghĩ, muốn thành công trong khởi nghiệp thì phải có ý tưởng hay, độc, lạ, nghiên cứu kĩ và quyết tâm làm bằng được”. Khởi nghiệp đang là một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ, nhưng đa số các bạn chọn mảng viễn thông, công nghệ, dịch vụ vì sợ chân lấm tay bùn. Theo Cường, nước ta là một nước nông nghiệp, có nhiều điều kiện thuận lợi, vì vậy hãy tận dụng và phát huy những thế mạnh đó. Nguyện vọng của Cường là được cộng tác, làm việc với các bạn trẻ có cùng đam mê về nông nghiệp; cùng nhau chung tay vì một nền nông nghiệp sạch, bền vững.