Được thành lập hơn 1 năm nay, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi xanh ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) đang chăn nuôi lợn thịt theo phương pháp ủ men vi sinh, với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thịt lợn an toàn, đảm bảo sức khỏe.
Đến HTX Chăn nuôi xanh vào một ngày cuối tháng 10, mặc dù thời tiết có mưa, ẩm ướt, thế nhưng khi vào khu chuồng chăn nuôi gần 400 con lợn thương phẩm của HTX, chúng tôi không hề cảm thấy mùi hôi thối bốc ra từ các chuồng nuôi. Cả đàn lợn, con nào con nấy trông béo tốt.
Tại mỗi chuồng rộng 24m2, có từ 18-20 con lợn trưởng thành được nuôi. Lợn có khu vệ sinh riêng, được thay nước 2 lần/ngày nên chuồng nuôi không có mùi hôi.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX cho biết: Tháng 7-2017, HTX Chăn nuôi xanh thành lập. Ngay từ khi mới thành lập, chúng tôi nghĩ cần phải có phương pháp chăn nuôi an toàn, được người tiêu dùng đón nhận. Do vậy, tôi đã tìm hiểu và thực hiện chăn nuôi lợn thịt theo phương pháp ủ men vi sinh. Điều này không những giúp chuồng nuôi luôn sạch mà đàn lợn còn tăng sức đề kháng, sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ đó, mỗi năm HTX thu lãi trên 600 triệu đồng.
Nói về ý tưởng chăn nuôi theo phương pháp mới, ông Ngữ chia sẻ thêm: Năm 2016, tôi nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp (đổ cám cho lợn ăn trực tiếp), mùi hôi bốc ra nhiều, lợn hay bị bệnh. Cũng trong năm đó, giá thịt lợn giảm sâu, tôi lỗ trên 700 triệu đồng. Nhưng tôi nghĩ, mình có thể làm lại nhưng chăn nuôi theo phương pháp mới, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng thì sản phẩm của mình làm ra sẽ luôn được đón nhận. Sau đó, tôi đã học hỏi thêm kỹ thuật nuôi lợn bằng phương pháp ủ men vi sinh từ các chuyên gia của Chi cục Thú y tỉnh và được hướng dẫn cách làm cụ thể. Từ đó đến nay, tôi thấy chăn nuôi theo phương pháp này đem lại hiệu quả cao, được người tiêu dùng dần đón nhận sản phẩm.
Tại khu chế biến thức ăn cho lợn, chúng tôi quan sát thấy có nhiều thùng đựng thức ăn đã được ủ bằng men vi sinh và có mùi thơm nhẹ. Thức ăn được trộn từ ngô nghiền, cám gạo, rau xanh (xay nhỏ), men vi sinh và nước (có tác dụng làm ẩm men).
Những công nhân ở đây cho biết, thức ăn cho lợn đã trộn được ủ men vi sinh trong thời gian khoảng 24 giờ (đối với mùa Hè) hoặc 36-48 giờ (đối với mùa Đông), khi đó, thức ăn sẽ được làm chín, giúp lợn tiêu hóa và hấp thụ tốt. Với cách làm như vậy, sẽ tốn nhiều công hơn so với cách chăn theo phương pháp công nghiệp, ngược lại lợn ít bị bệnh, lượng kháng sinh cũng giảm đáng kể. Khi lợn được xuất bán (khoảng 5,5 tháng), thịt sẽ chắc và thơm ngon hơn.
Với việc chăn nuôi theo phương pháp mới, cơ sở chăn nuôi sản phẩm lợn thịt của ông Nguyễn Văn Ngữ đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và Vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) chứng nhận phù hợp Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) từ ngày 4-10-2018.
Mặc dù sản phẩm lợn thịt được chăn nuôi theo phương pháp sinh học, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, thế nhưng điều mà ông Ngữ luôn trăn trở, đó là: Sản phẩm lợn thịt do HTX sản xuất vẫn chưa có đầu ra ổn định, giá bán cũng không cao hơn so với giá ngoài thị trường. Tôi mong muốn, các cấp, ngành chức năng của tỉnh và Thành phố quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để sản phẩm lợn thịt của HTX có “chỗ đứng” trên thị trường, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Bản thân tôi tới đây cũng sẽ đặt vấn đề với một số siêu thị, quầy hàng nông sản an toàn để bán và giới thiệu sản phẩm; liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị, trường học trên địa bàn để cung cấp sản phẩm thịt lợn với số lượng lớn, đảm bảo đầu ra ổn định cho HTX.