Tại Trung tâm Văn hóa tỉnh đang diễn ra“Phiên chợ nông sản an toàn” năm 2018, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức. Với hơn 20 gian hàng của Hội LHPN các huyện thành, thị, các hợp tác xã, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, phiên chợ lần này không chỉ tạo cơ hội để phụ nữ giao lưu học hỏi mà còn là dịp để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, mở rộng liên kết hợp tác và tiêu thụ nông sản an toàn…
Để phiên chợ diễn ra hiệu quả, các cấp Hội đã tuyên truyền đến toàn thể hội viên phụ nữ về kế hoạch tổ chức phiên chợ; mời các đơn vị đăng ký tham gia các gian hàng, giới thiệu trưng bày sản phẩm nông sản an toàn của hội viên phụ nữ, đại biểu tham dự; xây dựng kịch bản, chuẩn bị gian hàng, sân khấu và các trang thiết bị phục vụ khai chương phiên chợ.
Phiên chợ có hơn 20 gian hàng, trong đó có 3 Hợp tác xã nông nghiệp do Hội LHPN tỉnh thành lập, 6 doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh, các đơn vị Hội LHPN huyện, thành, thị. Sản phẩm được trưng bày tại đây chủ yếu là hàng nông sản an toàn và đặc sản của các địa phương, sản phẩm chè, thức ăn chăn nuôi, phân bón nông nghiệp, hoa quả, cây cảnh…
Hội LHPN T.P Sông Công là một trong những đơn vị tích cực tham gia hoạt động này. Chị Phạm Thị Bích Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN T.P Sông Công thông tin: Để hưởng ứng cuộc vận động Phụ nữ Thái Nguyên “Sản xuất sạch, chế biến sạch và tiêu dùng sạch” cũng như tham gia phiên chợ, mới đây, Hội ra mắt thêm 1 cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn và 2 mô hình tổ liên kết sản xuất sản phẩm nông sản an toàn tại xã Bá Xuyên và xã Vinh Sơn. Tham gia phiên chợ, chúng tôi có một gian hàng với nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương như: bưởi Hoàng Trạch, thanh long đỏ, ổi Đài Loan, nấm, rau mầm, gạo Nhật J02, trứng gà, vịt, sản phẩm thịt lợn hữu cơ… Chúng tôi mong muốn sản phẩm nông sản của hội viên phụ nữ Thành phố được quảng bá đến với nhiều người tiêu dùng, tạo thói quen sử dụng hàng nông sản an toàn rõ nguồn gốc. Qua đó đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho hội viên.
Còn với chị Phạm Thị Thủy, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Chè Thủy Thuật (xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên) thì đây là lần đầu tiên chị tham dự phiên chợ do Hội LHPN tỉnh tổ chức. HTX Chè Thủy Thuật sản xuất theo hướng hữu cơ, đã được cấp Giấy chứng nhận chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường gần 1 tấn chè khô. Tuy nhiên, do mới thành lập được hơn 1 năm, nên sản phẩm chè của HTX còn ít người biết đến, thị trường tiêu thụ mới chỉ dừng lại trong tỉnh và Hải Phòng, Quảng Ninh. Vì vậy, tham gia phiên chợ nông sản an toàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm chè của HTX có dịp quảng bá rộng rãi ra thị trường.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Liên kết và sản xuất và tiêu thụ nâng cao chuỗi giá trị nông sản an toàn là một trong những mục tiêu mà Hội hướng đến để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mặt khác nâng cao đời sống cho hội viên. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, các cấp Hội đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Ngay từ đầu năm, Hội phát động đến 100% cơ sở Hội trong toàn tỉnh thực hiện phong trào Phụ nữ Thái Nguyên “Sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”; tổ chức các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm an toàn tại tỉnh và các huyện; đăng ký và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với một số mặt hàng nông sản phổ biến; tổ chức trưng bày, giới thiệu gian hàng nông sản sạch… Phiên chợ nông sản an toàn năm 2018 lần này, được tổ chức vào dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam là cơ hội để chị em giao lưu kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận thông tin và công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích người dân từ bỏ thói quen sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp an toàn...
Hiện nay, Hội LHPN đã xây dựng 7 chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm an toàn tại tỉnh và các huyện; duy trì hơn 140 mô hình nhóm sở thích, tổ hợp tác, tổ liên kết; hỗ trợ thành lập 6 hợp tác xã nông sản an toàn trên địa bàn. Các cửa hàng, tổ liên kết dù mới được thành lập nhưng đã đi vào hoạt động ổn định, là cầu nối quan trọng giữa người tiêu dùng và người sản xuất.
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động cán bộ hội viên phụ nữ sản xuất nông sản an toàn, thí điểm một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất rau thủy canh; khảo sát, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, người tiêu dùng, từ đó tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc sản của địa phương; hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài.
Đặc biệt tới đây, phiên chợ nông sản an toàn sẽ được cấp Hội tổ chức thường xuyên hơn đồng thời tập trung thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị; tiếp tục phát triển hệ thống cửa hàng tiêu thụ thực phẩm an toàn trong phạm vi toàn tỉnh...