Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa sớm, bà con nông dân trong tỉnh đang tập trung xuống đồng chuẩn bị sản xuất vụ Đông. Dự báo vụ Đông năm nay có khả năng mưa lũ gây ngập lụt trên diện rộng về đầu vụ; hạn, rét về cuối vụ; nhiệt độ có xu hướng cao hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, ngành Nông nghiệp - PTNT khuyến cáo người dân nên tuân thủ đúng lịch khung thời vụ để giảm thiểu những tác động bất lợi của thiên tai gây ra nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng.
Vừa thu hoạch xong 3 sào lúa mùa sớm, gia đình bà Nguyễn Thị Nhị, ở xóm Phú Thái, xã Lương Sơn (T.P Sông Công) thuê ngay máy cày lật đất để chuẩn bị trồng ngô. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Nhị cho biết: Vụ Đông năm nay, tôi trồng 2 sào ngô tẻ và 1 sào ngô nếp. Tôi lựa chọn trồng cây ngô vì thân, lá có thể làm thức ăn cho bò trong mùa hanh khô; hạt ngô để chăn nuôi lợn, gà...
Không chỉ T.P Sông Công, sau thu hoạch lúa mùa, bà con nông dân tại các địa phương, như: T.X Phổ Yên, Phú Bình, Phú Lương, Đại Từ... cũng khẩn trương xuống đồng sản xuất vụ Đông. Anh Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế T.X Phổ Yên, cho biết: Vụ đông năm nay, toàn Thị xã phấn đấu gieo trồng 1.150 ha ngô, phấn đấu năng suất đạt 43,9 tạ/ha; rau các loại trồng hơn 1.000 ha, phấn đấu năng suất đạt 176 tạ /ha. Chúng tôi đã phối hợp cùng các địa phương rà soát diện tích lúa mùa sớm có điều kiện gieo trồng cây vụ Đông, chỉ đạo bà con tháo rút nước sớm, khẩn trương thu hoạch lúa theo phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ Đông”.
Vụ Đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 11.100ha (giảm hơn 2.880ha so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó diện tích ngô 4.600ha, phấn đấu năng suất đạt 42,4 tạ/ha; rau các loại 6.500 ha, phấn đấu năng suất đạt 160 tạ/ha. Các giống ngô được ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con đưa vào gieo trồng gồm: HN88, NK4300, LVN 092, LVN4, LVN99, CP333,CP 999, B265, CP111, NK6654, DK8868, DK9955, GS9989... Trên cơ sở cơ cấu giống được tỉnh phê duyệt đưa vào sản xuất, các huyện, thành, thị lựa chọn một số giống phù hợp có thế mạnh của vùng chỉ đạo đưa vào sản xuất.
Về khung thời vụ, đối với ngô nếp, ngô đường, ngô rau, thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng bắp tươi là chính nên thời vụ gieo trồng có thể muộn hơn đến ngày 15, 20-10 để tận dụng tối đa diện tích. Đối với cây rau các loại, bà con chú trọng phát triển các giống rau có giá trị kinh tế cao, mở rộng diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn.
Theo nhận định của chúng tôi, sản xuất vụ Đông năm nay có những điều kiện thuận lợi nhất định, đó là trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đầu tư sản xuất rau, củ, quả an toàn theo công nghệ cao, tuân thủ quy trình VietGAP. Đây là tiền đề để một số sản phẩm cây vụ Đông của tỉnh vào được các siêu thị, khu công nghiệp và các nhà máy chế biến. Ngoài ra, có một số mô hình liên kết trong sản xuất - tiêu thụ cây vụ đông phục vụ nhu cầu trong nước và chế biến xuất khẩu như các mô hình trồng ớt, dưa chuột bao tử, bí xanh,… tại các huyện Phú Bình, Phú Lương, T.X Phổ Yên. Cùng với đó, hệ thống các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất.
Bên cạnh những thuận lợi, vụ Đông năm nay cũng được dự báo gặp nhiều khó khăn, như: Số lượng doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thiếu đồng bộ; quy mô sản xuất nhỏ, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; một số địa phương chưa thực sự coi vụ Đông là vụ chính…
Theo ông Lương Văn Vượng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, bố trí hợp lý, đa dạng hóa các loại cây trồng, sản xuất rải vụ để tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên doanh, liên kết với nông dân từ khâu cung ứng giống, kỹ thuật, trồng, chăm sóc và thu hoạch, bao tiêu sản phẩm. Đối với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị cần tăng cường công tác dự tính, dự báo sâu bệnh, chuột hại trên đồng ruộng, kịp thời hướng dẫn người dân ứng dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả.