Đổi thay ở vùng quê nghèo

09:38, 23/10/2018

Thuận Đức là 1 trong 6 xóm đặc biệt khó khăn của xã Minh Đức (T.X Phổ Yên. Song nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng lòng chung sức của người dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống bà con từng bước được nâng cao, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Xóm Thuận Đức hiện có 115 hộ dân với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Sán Dìu. Những năm trước, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, người dân vẫn giữ tập quán canh tác lạc hậu nên đời sống gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20%.

Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM (2011), người dân đã tích cực thi đua lao động sản xuất, đoàn kết một lòng xây dựng đời sống mới. Có được kết quả này là do xóm đã tích cực tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc họp xóm, các buổi sinh hoạt tập trung để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM. Ngoài việc khuyến khích bà con đưa các cây, con giống mới vào nuôi, trồng, xóm cũng tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất.

Hằng năm, xóm còn tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao và phát động các đợt thi đua gắn với các tiêu chí NTM, nhằm thu hút người dân tham gia phong trào. Thông qua hoạt động đó, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, người dân đã mạnh dạn chia sẻ với nhau những niềm vui, khó khăn trong cuộc sống, từ đó có những hình thức hỗ trợ, giúp đỡ nhau vươn lên xây dựng đời sống thêm khấm khá.

Trước đây, diện tích vườn đồi, bà con chủ yếu trồng sắn, trồng keo nhưng thu nhập không ổn định. Nhận thấy chất đất phù hợp với trồng cây ăn quả, người dân đã cải tạo vườn đồi, đưa một số giống cây ăn quả vào trồng và sau mỗi năm, diện tích ngày càng được mở rộng. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, những năm gần đây, người dân trong xóm đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các mô hình trồng cây ăn quả có quy mô lớn.  Đến nay, xóm có 70% số hộ trồng cây ăn quả với diện tích hơn 10ha chủ yếu là ổi, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi Hoàng… trở thành vùng trọng điểm trồng cây ăn quả của xã. Tháng 9 vừa qua, xóm Thuận Đức là 1 trong 3 xóm của xã được Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp - PTNT) chọn và hỗ trợ để xây dựng vùng cây ăn quả tập trung mang giá trị kinh tế hàng hóa.

Cùng với việc tập trung trồng các loại cây ăn quả, bà con xóm Thuận Đức cũng duy trì khoảng 10 mô hình chăn nuôi hiệu quả. Điển hình như trang trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt của gia đình anh Nguyễn Văn Chính, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Chính cho biết: Sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng trong tỉnh, thay vì tìm một công việc bên ngoài, năm 2012, tôi đã mạnh dạn đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại, thoáng mát với diện tích hơn 600m2. Hiện, trang trại của tôi có gần 200 con lợn thịt chuẩn bị đến giai đoạn xuất chuồng. Ngoài ra, trang trạng còn thường xuyên duy trì trên 20 con lợn nái để lấy nguồn giống phục vụ chăn nuôi cho gia đình. Với mức giá thịt lợn hơi như hiện tại, dự kiến năm nay gia đình tôi có thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

     Khi điều kiện gia đình khấm khá, người dân đã cùng nhau đóng góp tiền của, ngày công lao động để làm đường giao thông và xây dựng một số công trình công cộng. Những ngày này về xóm Thuận Đức, chúng tôi thấy từng tốp người tham gia dọn dẹp, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, tiếng nói cười râm ran cả một vùng quê. Theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Bí thư Chi bộ xóm Thuận Đức, tính đến thời điểm này, khoảng 80% các tuyến đường trong xóm đã được cứng hóa. Hiện nay, người dân đang khẩn trương thi công 3 tuyến đường với chiều dài trên 6km. Tuyến đường được mở rộng 7m, trong đó mặt đường bê tông rộng 3,5m, dày 16cm. Tổng kinh phí xây dựng trên 3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 82% (từ nguồn vốn Chương trình 135), 18% còn lại do nhân dân đóng góp và các doanh nghiệp hỗ trợ. Để làm các tuyến đường, trên 20 hộ gia đình trong xóm đã hiến hơn 2.000m2 đất; chặt hạ hàng trăm cây cối và tháo dỡ trên 2.000m2 tường rào xây...

Đánh giá công tác xây dựng NTM ở xóm Thuận Đức, ông Hoàng Mạnh Quân, Chủ tịch UBND xã Minh Đức khẳng định: Thông qua phong trào xây dựng NTM, nhận thức của người dân trong xóm đã được nâng lên, kinh tế - xã hội của bà con vùng khó đã có điều kiện để phát huy. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang cùng các tuyến đường liên xóm, liên thôn được đổ bê tông sạch sẽ đã góp phần làm thay đổi diện mạo của một vùng quê nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt 30 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10%; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia và có phương tiện đi lại, thông tin liên lạc…