Hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm

14:43, 25/10/2018

Thời gian qua, nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (gọi tắt là vốn vay 120) của Ngân hàng Chính sách - Xã hội Chi nhánh Thái Nguyên đã phát huy hiệu quả trong việc tạo thêm hàng nghìn việc làm mới cho lao động.

Anh Lâm Văn Thuận, ở xóm Trúc Mai, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), chia sẻ: Trong gia đình, chỉ mình tôi có việc làm ổn định. Nhà ít ruộng, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào đồng lương hàng tháng của tôi nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, được sự tư vấn, giới thiệu của Hội Nông dân xã, tôi tham gia Tổ tiết kiệm vay vốn và được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn 120 thông qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Võ Nhai với lãi suất ưu đãi 0,55%/tháng.

Từ số tiền này, gia đình anh Thuận đầu tư nuôi gà công nghiệp. Với 1.000 con gà/lứa, bình mỗi lứa, anh Thuận thu lãi khoảng 30-40 triệu đồng. Chị Lăng Thị Huệ, vợ anh Thuận bộc bạch: Từ ngày được vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội, gia đình tôi đầu tư vào chăn nuôi, kinh tế dần khấm khá, không chỉ tôi có việc làm mà còn tạo thêm việc làm cho 2 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Cũng giống như anh Thuận, gia đình chị Hoàng Thị Hiền ở xóm Việt Hùng, xã Đông Cao (thị xã Phổ Yên) cũng tận dụng lợi thế đất nông nghiệp để đầu tư trồng rau màu từ nguồn vốn 120. Chị Hiền cho hay: Tôi được vay 50 triệu đồng để đầu tư làm nhà lưới trồng rau giống và mua máy cày. Vào những đợt cao điểm thu hoạch rau giống, tôi phải thuê đến 4-5 lao động với mức thù lao 200 nghìn đồng/ngày. Những ngày còn lại, gia đình có 2 lao động thường xuyên.

Theo thông tin từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội tỉnh, tính đến hết tháng 8-2018, tổng dư nợ của nguồn vốn vay 120 của Thái Nguyên trên 127 tỷ đồng, giải quyết cho 3.541 người được vay vốn. Qua đó, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Qua đánh giá, kiểm tra, các dự án vay vốn đều được sử dụng đúng mục đích đăng ký, trả lãi định kỳ và thanh toán nợ đúng thời hạn.

Tuy nhiên, chương trình vay vốn giải quyết việc làm vẫn đang tồn tại một số hạn chế: Khoảng 80% các dự án vay vốn 120 đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp; trong khi các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, có thể giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động lại chiếm số lượng rất ít; mức cho vay tối đa đối với mỗi dự án là 50 triệu đồng là quá thấp.

 Anh Bùi Minh Hoàn ở xóm Làng Chiềng, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) cho hay: Gia đình tôi hiện đang mở xưởng cơ khí, tạo việc làm cho 6 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Với mức vay 50 triệu đồng không đủ để đầu tư máy móc, thiết bị cũng như nguyên liệu đầu vào cho hoạt động của xưởng.

Cùng quan điểm với anh Hoàn, anh Đỗ Quang Khương ở tiểu khu Giang Bình, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), cho rằng: Mức vay 50 triệu đồng thực sự là thấp so với những người muốn phát triển mô hình kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ với quy mô trên 5 lao động trở lên.

Thời gian qua, nguồn vốn vay 120 đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động trên địa bàn tỉnh, nhưng nếu mức vay tối đa được nâng lên, chúng tôi tin đồng vốn sẽ phát huy hiệu quả tích cực hơn nữa.