Khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao

14:19, 29/10/2018

Sau khi tốt nghiệp đại học, thanh niên trẻ Vũ Mạnh Toàn, xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) đã khởi nghiệp bằng việc phát triển mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao ngay tại quê nhà.

 

 

Đến thăm mô hình làm nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao của Vũ Mạnh Toàn, tôi thực sự ấn tượng bởi sự đầu tư công phu. Hệ thống nhà kính hiện đại, mọi công đoạn bón phân, đo độ ẩm, tưới tiêu hoàn toàn thiết kế tự động và kiểm soát theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Xuất thân từ vùng đất thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu,Vũ Mạnh Toàn luôn thấu hiểu sự vất vả của người nông dân, hàng ngày một nắng hai sương, gắn bó với ruộng đồng, nhưng do thói quen canh tác thủ công, lạc hậu nên giá trị sản phẩm mang lại không cao. Bởi vậy, ngay từ nhỏ Toàn đã mong ước trở thành kỹ sư ngành Nông nghiệp với hy vọng học được cách làm nông nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, mang lại hiệu quả cao.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Toàn đã đăng ký thi vào Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Sau 4 theo học chuyên ngành Công nghệ rau, hoa quả và cảnh quan, Toàn tiếp tục đăng ký sang thực tập và làm việc tại đất nước Israel 2 năm theo chương trình liên kết đào tạo của Trường.

Toàn tâm sự:  Israel là một đất nước thiên nhiên ít ưu đãi, khí hậu nắng nóng, đất đai khô cằn nhưng lại là một trong những nước xuất khẩu nông sản đứng hàng đầu thế giới. Do khí hậu khắc nghiệt, 2 năm học tập tại đây, em rất vất vả, nhiều hôm làm việc dưới thời tiết nắng nóng 40-50 độ C, nhưng em luôn nhủ lòng phải cố gắng để học hỏi bằng được kinh nghiệm, kiến thức gieo trồng các loại cây để về áp dụng tại quê hương.

Kết thúc thời gian học việc tại Israel, Toàn trở về nhà và bắt tay cải tạo hơn 4.000 m2 đất vườn tạp của gia đình để xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng  công nghệ cao. Sau khi đi thăm quan thêm một số mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản tại một số địa phương, Toàn đã lựa chọn trồng thử nghiệm vụ dưa lưới đầu tiên. Theo Toàn, đây là giống cây ngắn ngày, phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Mặt khác, chất lượng giống dưa trồng ở Việt Nam đã được nhiều người trồng, quả rất giòn, ngọt và thơm. Đây cũng là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Vụ dưa đầu tiên trồng trong nhà lưới của Toàn hiện đang cho quả ngọt, ước tính đạt  khoảng 4 tấn quả, với giá bán trung bình từ 50-60 nghìn đồng/kg, dự kiến Toàn sẽ thu về trên 200 triệu đồng, trừ chi phí, ước lãi khoảng 60-70 triệu đồng. Toàn cho biết thêm, số dưa hiện nay chỉ đủ để bán lẻ cho bạn bè và một số tiểu thương tại Hà Nội, chứ chưa đủ cung cấp cho các siêu thị và cửa hàng rau củ, quả sạch trên địa bàn.

Nói về dự định trong thời gian tới, Toàn chia sẻ thêm: Sau khi thu hoạch xong vụ dưa này, tôi sẽ bắt tay ngay vào trồng hoa đồng tiền để bán trong dịp Tết. Về lâu về dài sẽ mở rộng diện tích nhà lưới lên  khoảng 7.000m2 để trồng rau, hoa, các giống cây ăn trái theo phương pháp luân canh gối vụ. Tôi sẵn sàng chuyển giao khoa học kỹ thuậtxây dựng mô hình phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao đã từng được học cho những người có nhu cầu phát triển mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Chị Nguyễn Thị Linh, cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Linh Sơn, cho biết: Mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao là mô hình rất mới trong xã. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy vụ dưa lưới Nhật Bản được trồng lần đầu trong nhà lưới của Toàn mang hiệu quả khả quan. Chúng tôi mong muốn ngành Nông nghiệp và T.P Thái Nguyên nên có những chính sách hỗ trợ để mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng trên địa bàn.