Lâu nay, xã Bình Thuận được biết đến là một trong những vùng rau truyền thống của huyện Đại Từ. Tận dụng điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, tháng 8-2016, hơn 30 hộ dân trong xã đã liên kết nhau lại để thành lập Tổ hợp tác (THT) Rau an toàn Bình Thuận. Với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong sản xuất, sản phẩm rau, củ, qủa của THT đã và đang chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
Đưa chúng tôi đi thăm mô hình rau an toàn của THT, ông Hoàng Văn Hòa, Tổ trưởng THT, chia sẻ: Tổng diện tích rau của THT hiện đạt gần 3ha, phân bố trên địa bàn 2 xóm là Trại 4 và Trại 5. Thuận lợi của THT đó là đất đai của các thành viên tương đối tập trung, người dân đã có kinh nghiệm trồng rau màu từ trước do vậy việc áp dụng kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cũng dễ dàng hơn. Thêm vào đó, nguồn nước tưới cũng rất dồi dào. Mùa nào thức ấy, các thành viên trong Tổ lựa chọn trồng các giống rau xanh phù hợp như: Cải ngọt, cà chua, dưa chuột, bắp cải, su hào, rau gia vị các loại…
Ông Trần Văn Kiên, thành viên của THT cho hay: Gia đình tôi có 7 sào trồng rau, trong đó trên 3 sào là trồng rau trong nhà lưới. Trước kia, tôi chủ yếu trồng bằng kinh nghiệm, cũng không tính toán được năng suất, được thu hoạch rau gì thì bán rau đó nên hiệu quả kinh tế không cao. Tham gia vào THT, tôi được hướng dẫn cách làm đất tơi xốp, ủ mục và bón phân thay vì sử dụng phân tươi như trước đây. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng được cân đối để phù hợp với từng loại rau, củ, quả, đảm bảo thời gian cách ly theo quy định. Nhờ đó, rau xanh tốt và cho thu đều đặn (trung bình 20 ngày/lứa), giá bán ổn định do THT đứng ra tiêu thụ.
Để đảm bảo chất lượng đồng đều, đại diện THT thường xuyên giám sát các thành viên trong quá trình sản xuất, đồng thời, nhắc nhở các thành viên trong Tổ việc ghi chép thông tin về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, cây con; kiểm tra đánh giá hệ thống cung cấp nước tưới… Quá trình theo dõi như vậy giúp các thành viên trong THT thực hiện đúng, đủ các kỹ năng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; tiết kiệm được thời gian chăm sóc; hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, đáp ứng việc sản xuất nông sản an toàn.
Ông Hoàng Văn Hòa cho biết thêm: Khi mới thành lập THT, nhiều người còn hoài nghi về thành công của mô hình, thậm chí một số thành viên đã rút khỏi THT, nhưng sau một thời gian, việc trồng rau an toàn đã cho thấy hiệu quả, nâng cao nhận thức cho các thành viên về việc trồng rau sạch là bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho người tiêu dùng. Hàng tháng, Tổ thường họp để thông báo tình hình sản xuất rau trong thời gian qua, hướng trồng rau trong thời gian tới, cùng bàn bạc, thảo luận tìm các loại giống rau thích hợp với thời tiết, mùa vụ.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, đến nay, THT Rau an toàn Bình Thuận với 25 thành viên đã duy trì sản xuất ổn định. Trung bình mỗi ngày, THT xuất ra thị trường khoảng 7 tạ rau, vào vụ đông, lượng rau tiêu thụ đạt trên 1 tấn rau, củ/ngày. Ngoài cung cấp rau an toàn cho thương lái trong huyện, THT đã ký được hợp đồng với Công ty cổ phần Chế biến nông sản Thái Nguyên, tiêu thụ 2 tạ rau/ngày.
Được tận mắt chứng kiến những ruộng rau xanh mướt, từng luống rau được trồng ngay hàng thẳng lối, chúng tôi cảm nhận được sự chăm chút tỉ mỉ của người nông dân nơi đây. Nhằm khuyến khích, hỗ trợ bà con sản xuất rau an toàn, tháng 8 vừa qua, 11 hộ thuộc THT đã được UBND huyện hỗ trợ xây dựng nhà lưới và chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Dự án được triển khai trên diện tích là 19 sào, tổng kinh phí gần 320 triệu đồng, trong đó người dân được hỗ trợ 70% kinh phí mua vật tư, thiết bị làm nhà lưới và 50% giá mua thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Chị Nguyễn Thị Hà, xóm Trại 5, thành viên THT chia sẻ: Trồng rau trong nhà lưới giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí, đặc biệt là hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do hạn chế được sâu, bệnh hại xâm nhập. Không những vậy, nhiều hộ còn trồng được các loại rau trái vụ như: xà lách, rau mùi… Nhờ đó, năng suất rau tăng gấp đôi so với trồng rau thông thường, đạt 2-3 tấn rau/sào/năm.
Bà Trịnh Việt Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, cho biết: Việc phát triển mô hình THT sản xuất rau an toàn ở Bình Thuận đang góp phần thay đổi tập quán canh tác và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho người dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tư vấn bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ người dân trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhằm mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương.