Tâm sự doanh nhân

18:57, 11/10/2018

Doanh nhân là những người tiên phong, can đảm, dám nghĩ dám làm, chịu dấn thân vào những thử thách mới trên mặt trận kinh tế. Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng ta cùng chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình dấn thân thực hiện khát vọng làm giàu của một số doanh nhân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG

Thực hiện đồng bộ “3 đồng hành, 5 hỗ trợ - doanh nghiệp, doanh nhân”

Những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm, tổ chức các hội thảo, xúc tiến đầu tư góp phần giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nối với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Thái Nguyên không những tạo sự phát triển DN trên địa bàn cũng như phát triển KT-XH bền vững của Thái Nguyên mà còn “lôi cuốn” “hút” nhà đầu tư gắn bó với Thái Nguyên. Tuy nhiên, những “ách tắc” về chi phí sản xuất, kinh doanh lớn, thủ tục hành chính còn rườm rà, thanh kiểm tra còn chồng chéo,… vẫn đang là rào cản khiến các DN còn “e dè” khi lựa chọn đầu tư vào Thái Nguyên. Để “khơi thông ách tắc” này, chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cấp thực hiện đồng bộ chương trình “3 đồng hành, 5 hỗ trợ - doanh nghiệp, doanh nhân”, nghiên cứu và cải cách hơn nữa bộ phận một cửa, tăng cường giáo dục, quản lý và yêu cầu cụ thể về năng lực làm việc, chuyên môn, tính chuyên nghiệp và thái độ tận tâm với người dân và doanh nghiệp.

 

 

Ông Kim Dong Wook, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên

Đẩy mạnh các hoạt động vì cộng đồng

Công ty Samsung Điện tử Việt Nam đầu tư tại Thái Nguyên từ năm 2012, khởi công xây dựng năm 2013 và chỉ sau chưa đầy 1 năm, nhà máy SEVT đã đi vào hoạt động và cho ra những sản phẩm đầu tiên. Trong 4 năm qua, dù phải đương đầu với nhiều thách thức, Tập đoàn Samsung Điện tử đã mạnh dạn triển khai theo đúng kế hoạch, trở thành doanh nghiệp có quy mô lớn nhất tại Việt Nam cả về sản xuất, nhân lực và doanh thu. Cùng với hoạt động hội nhập và liên kết kinh tế, ứng dụng công nghệ mới, ưu tiên trong cải tiến sản xuất, Công ty đã thiết lập quan hệ thương mại xuất khẩu với 80 quốc gia trên thế giới, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động thông qua mạng lưới hơn 108 nhà cung cấp và công ty vệ tinh. Năm 2017, doanh thu của Công ty đạt 25 tỷ USD, lợi nhuận trước thuế đạt 2,67 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước 167 triệu USD. Chúng tôi cho rằng một công ty muốn phát triển bền vững thì ngoài việc chú trọng đến hoạt động của công ty, cần đẩy mạnh tham gia các hoạt động vì cộng đồng, chia sẻ với nhân dân địa phương, xây dựng địa phương phát triển.

 

 

Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo

Có chiến lược phát triển dài hạn, bền vững

Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo được thành lập cuối tháng 7-2010. Với nhiều nỗ lực, Công ty luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Nhờ có với chiến lược đầu tư phát triển dài hạn, rõ ràng, hướng tới phát triển bền vững, đến năm 2017, Công ty đã đạt tổng doanh thu 4.544 tỷ đồng, tăng 30,23% so với năm 2016; nộp ngân sách Nhà nước 727 tỷ đồng, tăng 31,91% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt gần 390 tỷ đồng; bảo đảm việc làm cho 1.164 lao động với mức thu nhập bình quân trên 11 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc thực hiện tốt các chế độ cho người lao động, bảo đảm an toàn sản xuất và bảo vệ môi trường,…  năm 2017, Công ty còn chi trên 4,3 tỷ đồng cho công tác xã hội, từ thiện và hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Thái Hưng 

Tầm nhìn và định hướng phát triển dựa trên 3 trụ cột

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Công ty CP Thương mại Thái Hưng đã phát triển nhanh, mạnh theo mô hình tổng công ty, kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực; bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; thực hiện tốt nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước. Trong những năm gần đây, Công ty đã đề ra “Tầm nhìn và định hướng phát triển” toàn diện, bền vững dựa trên 3 trụ cột: Sản xuất - Kinh doanh - Dịch vụ, lấy trọng tâm ngành thép là chủ đạo. Tháng 10-2016, Thái Hưng chính thức bước vào lĩnh vực sản xuất khi trở thành cổ đông chi phối và là Công ty mẹ của Công ty CP Thép Việt Ý. Tháng 6-2017, Thái Hưng tiếp tục tham gia mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Với sự giúp đỡ của các, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự hợp tác của các bạn hàng, đối tác trong và ngoài nước; sự nỗ lực của cả đội ngũ, chúng tôi tin tưởng sẽ tiếp tục viết nên nhiều mốc son mới trong định hướng phát triển của Thái Hưng trong thời gian tới. 

 

 

Ông Nguyễn Xuân Huấn,
Giám đốc Công ty CP Prime Phổ Yên

Tập trung sản xuất những dòng sản phẩm có thế mạnh

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát tại Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ nặng ký đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Sự cạnh tranh này diễn ra từ phân khúc giá thấp đến phân khúc giá cao, tuy nhiên, chủ yếu là những mặt hàng giá rẻ. Những doanh nghiệp Việt Nam nằm trong cùng phân khúc này sẽ phải cạnh tranh khốc liệt nhất. Bởi thế, Ban lãnh đạo Prime Group nói chung và Prime Phổ Yên nói riêng đã đưa ra những chiến lược và kế hoạch phát triển cụ thể nhằm đứng vững và phát triển tốt. Doanh nghiệp tập trung sản xuất những dòng sản phẩm có thế mạnh, sức tiêu thụ lớn; đầu tư vào công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường bằng cách tham gia các cuộc thi bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, hội chợ triển lãm vật liệu xây dựng hàng năm… Nhờ đó, doanh thu của Công ty năm 2017 đạt trên 869 tỷ đồng, nộp ngân sách 43,3 tỷ đồng, thu nhập của người lao động đạt 8,2 triệu đồng/người/tháng.

 

 

Ông Vũ Hồng Quân, Giám đốc Viettel Thái Nguyên - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội

Đưa các ứng dụng 4.0 hỗ trợ chính quyền điện tử

Sau hơn 13 năm có mặt tại Thái Nguyên, Viettel là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đầu tiên phủ sóng 100% xã, phường, thị trấn. Viettel hiện có trên 900.000 khách hàng sử dụng dịch vụ di động, là mạng viễn thông số 1 trên địa bàn tỉnh. Doanh thu năm 2017 đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Viettel Thái Nguyên duy trì mức doanh thu này. Những năm gần đây, Viettel Thái Nguyên luôn tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và các ứng dụng 4.0 góp phần cải cách hành chính, hỗ trợ chính quyền điện tử, thành phố thông minh như: Cung cấp hạ tầng và giải pháp một cửa cho ngành Hải quan; giải pháp quản lý khai thuế, nộp thế qua mạng; giải pháp văn phòng điện tử, phần mềm quản lý công việc; xây dựng thành công và đi vào vận hành Trung tâm Điều hành cảnh báo cháy nhanh và điều hành phòng cháy chữa cháy của tỉnh. 

 

 

Bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Chè Tân Hương

Lựa chọn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Quốc tế

Để các sản phẩm chè của HTX đứng vững trên thị trường như hiện nay, trước hết phải giải được bài toán chất lượng, công nghệ và an toàn vệ sinh thực phẩm. Với suy nghĩ đó,  chúng tôi đã lựa chọn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified để áp dụng cho sản phẩm chè của HTX. Áp dụng quy trình sản xuất này, người nông dân phải tuân thủ rất nhiều quy định khắt khe từ trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến, đóng bao bì… Đến nay, đã 7 năm liên tục sản phẩm chè của HTX đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn cấp quốc tế UTZ. Sản phẩm chè của HTX ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, thương hiệu Trà Tân Hương đã được khẳng định bằng các giải Búp chè vàng cho chất lượng Trà xanh trong 3 kỳ Festival liên tiếp của tỉnh. Không chỉ gây dựng được thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước mà sản phẩm Trà Tân Hương còn được xuất khẩu sang các nước Mỹ, Canada, Anh…