Tân Thành nỗ lực phát triển kinh tế

14:36, 29/10/2018

Tân Thành là xã 135 của huyện Phú Bình, toàn xã hiện có trên 1.400 hộ dân sinh sống ở 12 xóm, trong đó có hơn 60% là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, cùng sự tự chủ vươn lên của người dân đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đi trên những tuyến đường bê tông vừa được hoàn thiện, qua các xóm La Lẻ, Na Bì, Non Tranh…, chứng kiến hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của người dân, chúng tôi cảm nhận được rõ sự đổi thay của vùng đất này.

Bà Ngô Thị Tuyết Minh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước kia, Tân Thành từng được nhắc đến là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, năm 2015, số hộ nghèo là 40%, thu nhập bình quân người dân khoảng 14 triệu đồng/người/năm; toàn xã chỉ có 12/110km đường được đổ bê tông… Để giải quyết những khó khăn đó, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định nhiệm vụ: Quan tâm phát triển hạ tầng nông thôn; tích cực lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân mạnh dạn đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế đồi rừng của địa phương; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi; tăng cường phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức cho người dân…

Xác định hạ tầng giao thông không thuận lợi là một trong những lực cản trong phát triển kinh tế -xã hội. Những năm qua, thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, xã đã huy động nguồn lực trong nhân dân, tham gia hiến đất, đóng góp đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ năm 2011 đến nay, người dân trong xã đã hiến 1.800m2 đất; đóng góp trên 12 tỷ đồng; góp hàng nghìn ngày công… để xây dựng nông thôn mới. Qua đó, 40% các tuyến đường trục chính của xã đã được cứng hóa; cơ sở vật chất văn hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân; xã đã đạt 11/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2020 xã sẽ về đích nông thôn mới.

Cùng với việc quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng, xã cũng chú trọng đến việc giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo Xóa đói, giảm nghèo của xã, phân công các thành viên trực tiếp phụ trách từng xóm để kịp thời nắm bắt nhu cầu của từng hộ dân. Cùng với đó, khuyến khích, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay, tổng dư nợ của các Hội, đoàn thể xã Tân Thành nhận ủy thác đạt trên 30 tỷ đồng, giúp hàng nghìn lượt hộ có thêm vốn làm ăn.

Chị Lê Thị Hằng, một hộ dân xóm Non Tranh, chia sẻ: 2 vợ chồng tôi thường xuyên ốm đau nên kinh tế kiệt quệ. Thông qua Hội Phụ nữ xã, năm 2016, tôi được vay vốn từ ngân hàng 50 triệu đồng, được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, tôi đã mạnh dạn xây sửa chuồng trại nuôi 5 con lợn nái, 1.000 gà/lứa; ngoài ra, tôi được tham gia Quỹ bò nái sinh sản, vì thế thu nhập cũng dần ổn định. Năm vừa qua, gia đình tôi chỉ còn ở là hộ cận nghèo, chúng tôi sẽ phấn đấu thoát nghèo trong năm tới.

 Với đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi, diện tích đất rừng là 1.700ha nên việc phát triển cây lâm nghiệp được coi là thế mạnh của địa phương. Hằng năm, xã đều vận động người dân đưa các giống keo cao sản vào trồng mới, trồng thay thế, qua đó diện tích rừng trồng mới trên địa bàn xã trong 3 năm qua liên tục tăng, góp phần vào việc phủ xanh đất trống đồi trọc. Tính riêng 9 tháng qua, người dân trong xã trồng mới được 100ha rừng. Hiện, độ che phủ rừng của xã đạt gần 100%.

Phát triển kinh tế đồi rừng kéo theo các ngành nghề khác như chăn nuôi, chế biến lâm sản, dịch vụ vận tải phát triển… Toàn xã có 5 trang trại và 30 gia trại chăn nuôi; duy trì đàn gia súc trên 11.000 con, gia cầm trên 315.000 con; 20 cơ sở sản xuất bóc ván gỗ; 100 cơ sở kinh doanh, dịch vụ vận tải, qua đó đã góp phần tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương.

Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân đạt 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 18,63%. Thời gian tới, xã Tân Thành sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, quan tâm giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tranh thủ mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng nông thôn đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt đời sống nhân dân.