Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp

12:55, 12/10/2018

Những năm gần đây, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Đại Từ có sự tăng trưởng mạnh. Kết quả này không chỉ nhờ vào sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, mà còn có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Để việc hỗ trợ mang lại kết quả, cần thấu hiểu các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nắm bắt được những khó khăn mà họ gặp phải, đáp ứng được những điều họ đang cần. Chính lẽ đó, huyện Đại Từ luôn chủ động trong công tác truyền thông, tăng cường đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức. Mỗi năm, Huyện ủy, HĐND, UBND ấn định tổ chức 4 buổi gặp gỡ, đối thoại, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp trên địa bàn vào các dịp như: Đầu năm, giữa năm, cuối năm và Ngày Doanh nhân (13-10). Đấy là chưa kể khi có các vấn đề phát sinh, huyện sẽ mời các doanh nghiệp đến làm việc, trao đổi. Ngoài ra, các ngành liên quan cũng tổ chức các buổi gặp gỡ với doanh nghiệp để triển khai chính sách, văn bản của Nhà nước tới doanh nghiệp trong phạm vi lĩnh vực từng ngành. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 3 buổi gặp mặt doanh nghiệp trên địa bàn, tổ chức vinh danh các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn huyện năm 2017 và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề năm 2018.

Tại các buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp có ý kiến về một số khó khăn đang gặp phải, những bất cập trong cơ chế, chính sách và đề nghị tìm cách giải quyết các vấn đề, như: Cải thiện môi trường đầu tư; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư sản xuất, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; giải phóng mặt bằng… Qua các ý kiến của doanh nghiệp, huyện có thể hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn của họ, từ đó phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tìm hướng tháo gỡ; đồng thời, mở rộng sản xuất, kinh doanh, hay kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực mà huyện đang ưu tiên phát triển.

Không chỉ gặp gỡ thông qua các buổi gặp mặt, đối thoại, huyện cũng thường xuyên đến thăm, làm việc, kiểm tra các doanh nghiệp nhằm đi sâu nắm bắt thực tế sản xuất, kinh doanh ở các đơn vị. Qua đó, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Đơn cử như: Trong 2 năm 2017 và 2017, từ việc trao đổi, gặp gỡ và hiểu được mong muốn của một số doanh nghiệp, huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sở Công Thương triển khai thực hiện 7 dự án khuyến công thông qua việc hỗ trợ dây chuyền, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến chè, sản xuất gạch không nung, sản xuất và gia công đồ gỗ. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều doanh nghiệp đã có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Không chỉ hỗ trợ về khoa học công nghệ, UBND huyện đã ban hành các quyết định về tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp về giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hùng Thái ở thị trấn Hùng Sơn, cho biết: Niềm tin của doanh nghiệp xuất phát từ việc chính quyền địa phương luôn lắng nghe, cầu thị, tiếp thu, xử lý nhanh, quyết liệt, kịp thời những vấn đề phát sinh mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động. Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chè, chúng tôi luôn được tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, khi có bất cứ vấn đề gì phát sinh dù lớn hay nhỏ đều được nhanh chóng giải quyết, vì vậy doanh nghiệp mới có thể phát triển như ngày hôm nay.

Rõ ràng, sự gần gũi, thấu hiểu của các cấp chính quyền huyện đối với các doanh nghiệp trên địa bàn đã giúp ích rất nhiều trong việc phát triển các doanh nghiệp. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Đại Từ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Nếu như năm 2013, toàn huyện đạt 1.650 tỷ đồng (tính theo giá cố định 2010) thì đến năm 2017, con số đã trên 9.161 tỷ đồng, tăng 20,65% so với năm 2016. Trong đó, công nghiệp Trung ương đạt trên 881 tỷ đồng, công nghiệp địa phương đạt gần 5.618 tỷ đồng, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là trên 2.661 tỷ đồng. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đã đạt 7.615,4 tỷ đồng, tăng gần 1.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương ước đạt 5.320 tỷ đồng. Trong năm, huyện đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, cơ sở tham gia vào đầu tư sản xuất theo hướng tập trung phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển các ngành nghề đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường như: Các doanh nghiệp chế biến gỗ, chế biến chè, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công cơ khí...