Thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và sinh kế bền vững cho người dân vùng trung tâm ATK Định Hóa (giai đoạn 2016-2020), từ 2016 đến nay, huyện Định Hóa đã huy động tổng nguồn vốn trên 50,3 tỷ đồng để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong đó, ngân sách huyện, tỉnh hỗ trợ 35,4 tỷ đồng (chiếm 70%); còn lại là doanh nghiệp và người dân đối ứng.
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm của gia đình ông Nguyễn Đức Lợi, xóm Bản Đa, xã Kim Phượng (Định Hóa).
Với mục tiêu tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, trong 3 năm (từ 2016-2018), huyện Định Hóa đã triển khai hỗ trợ người dân thực hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: Mô hình cánh đồng một giống với tổng diện tích trên 100ha tại các xã: Bảo Cường; Kim Phượng, Tân Dương, Định Biên, Bảo Linh; mô hình trồng rau an toàn tại với tổng diện tích trên 1ha tại xóm Vườn Rau (thị trấn Chợ Chu), xóm Cốc Lùng (Bảo Cường), xóm Bản Đa ( Kim Phượng); mô hình trồng na với tổng diện tích 7,6ha tại xã Tân Thịnh; mô hình trồng ổi, bưởi diễn, cam vinh với tổng diện tích trên 10ha tại xã Kim Phượng, Bảo Cường, Phúc Chu...; mô hình chăn nuôi dê, bò sinh sản tại xã Linh Thông, Tân Dương, Kim Phượng, Kim Sơn…
Mô hình trồng ổi Đài Loan cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm của gia đình chị Nguyễn Thanh Huyền, xóm Bản Nác, xã Kim Phượng (Định Hóa).
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, huyện đã bố trí nguồn ngân sách gần 8 tỷ đồng để hỗ trợ người dân thực hiện dự án trồng cây quế trên đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Hiện nay, tổng diện tích quế trồng đã được gần 1.900ha đang sinh trưởng, phát triển tốt, triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, đã có 11.720 hộ gia đình trên địa bàn huyện được thụ hưởng từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và sinh kế bền vững cho người dân vùng trung tâm ATK Định Hóa. Trong đó có 9.003 hộ nghèo và cận nghèo. Việc triển khai Dự án đã góp phần đưa giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện tăng từ 70 triệu đồng/ha (năm 2015) lên 78 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 27 triệu đồng/người/năm lên 34,56 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 28,5% xuống còn 21,3%...