Với 5 dự án, tổng mức đăng ký đầu tư lên tới trên 46 nghìn tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (gọi tắt là T&T Group) hiện được biết đến là doanh nghiệp nội có tổng vốn đăng ký đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này. Sau 1 tháng kể từ ngày ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tỉnh (ngày 11-9), các sở, ngành chức năng của tỉnh và Tập đoàn đang tích cực nhiều phần việc để các dự án sớm được cụ thể hóa trên thực tế.
T&T Group là tập đoàn kinh tế mạnh, có trụ sở tại Hà Nội, hoạt động đa ngành, có uy tín và quy mô lớn trong nước cũng như trong khu vực, trên các lĩnh vực chính như: Thương mại, công nghiệp, tài chính, bất động sản. Ngày 11-9, tại Tỉnh ủy, trước sự chứng kiến của đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện lãnh đạo T&T Group và UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đối với 5 dự án. Bao gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, đô thị sinh thái Đông Tam Đảo và tuyến đường kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 266, đoạn từ ngã tư Khu công nghiệp Sông Công đến ngã tư giao cắt với Quốc lộ 37 theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); Dự án Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên); Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp T.X Phổ Yên và Dự án Chợ vùng Việt Bắc, Trung tâm hội nghị triển lãm và Khu đô thị phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên.
Được biết, sau 10 ngày ký biên bản ghi nhớ, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản chỉ đạo và nêu rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc phối hợp với T&T Group để triển khai nội dung của Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa 2 bên. Và cũng với quyết tâm sớm triển khai các dự án đã ký kết, các bộ phận chuyên môn của T&T Group đã rất tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương tiến hành khảo sát, xác định ban đầu vị trí ranh giới của 5 dự án. Cụ thể như đối với Dự án Cải tạo nâng cấp đường tỉnh 266, Sở Giao thông - Vận tải và nhà đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu bàn giao tiếp nhận Dự án, bởi trước đây Dự án do Sở Giao thông - Vận tải đã lập quy hoạch, nay nhà đầu tư đề nghị thực hiện nên Sở này đang xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy mô đề xuất của nhà đầu tư; còn Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc hướng dẫn nhà đầu tư lập quy hoạch sử dụng đất, lập quỹ đất đối ứng để hoàn ứng đầu tư xây dựng tuyến đường cũng như các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường.
Đối với Dự án Chợ vùng cao Việt Bắc, Trung tâm hội nghị triển lãm và Khu đô thị phường Thịnh Đán, nhà đầu tư đang cùng các cơ quan chuyên môn của T.P Thái Nguyên tiến hành xác định quy hoạch; cùng Sở Nông nghiệp và PTNT thống nhất các nội dung liên quan đến Dự án Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thị xã Phổ Yên. Cùng với đó đang xem xét điều chỉnh đề xuất dự án đầu tư với dự Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, đô thị sinh thái Đông Tam Đảo và tuyến đường kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên...
Theo ông Chu Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu tư: Sau một tháng được trực tiếp tham gia phối hợp, hướng dẫn nhà đầu tư và qua các bước, kế hoạch cụ thể, chi tiết, chuyên nghiệp mà nhà đầu tư thực hiện, tôi cảm nhận rõ sự tâm huyết và quyết tâm của nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án tại Thái Nguyên. Cả 5 dự án, nhà đầu tư đều đề xuất lộ trình thực hiện rõ ràng. Tuy nhiên, do đây là giai đoạn tiếp xúc và tìm hiểu ban đầu để lập dự án, bao gồm nhiều công việc như: Tiếp xúc, thăm dò thị trường; tìm kiếm quỹ đất phù hợp; xác định ranh giới, phạm vi thực hiện dự án; đề xuất dự án; lập dự án đầu tư; lập, điều chỉnh quy hoạch; bố trí quỹ đất hoàn ứng... nên chưa thể có kết quả cụ thể ngay.
Chia sẻ về lý do T&T chọn Thái Nguyên làm điểm đến, ông Doãn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc T&T Group, cho biết: Tập đoàn đã có gần 10 năm nghiên cứu về môi trường đầu tư tại Thái Nguyên trên tổng thể nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên… Chúng tôi nhận thấy, Thái Nguyên có nhiều thế mạnh, mà trước hết là có lịch sử phát triển từ rất lâu, lại nằm trong vùng kinh tế Thủ đô Hà Nội; có địa hình thiên nhiên đa dạng, gồm cả đồng bằng, trung du và miền núi; hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hoàn thiện, đặc biệt là giao thông, có đường cao tốc, lại có cả đường sắt và gần Sân bay Nội Bài. Cùng với đó là sự quyết tâm rất lớn của tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Và đây được xem là thời điểm thích hợp nhất để T&T đầu tư vào tỉnh.
Còn theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc T&T Group: Tôi rất ấn tượng khi biết có đường dây nóng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp. Điều này càng tăng thêm lòng tin của tôi đối với tỉnh. Chúng tôi sẽ huy động tối đa các nguồn lực để sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động theo cam kết.
Có lẽ vẫn còn quá sớm để nói về các dự án nhưng có thể nói, việc T&T Group chọn Thái Nguyên để triển khai 5 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư lên tới trên 46 nghìn tỷ đồng - tương đương với số vốn đăng ký của 38 nhà đầu tư với 50 dự án được ký kết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư được cho là một thành công tiếp theo trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh năm nay. Các dự án của T&T Group được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt hạ tầng ở nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo việc làm cho lao động tại địa phương; bảo vệ môi trường; hoàn thiện mạng lưới giao thông; cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao… Qua đó tiếp đà cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời giúp môi trường đầu tư vào tỉnh thêm cải thiện đáng kể, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khác trong và ngoài nước. Và đây cũng chính là mong muốn của Nhà đầu tư.