Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn T.P Thái Nguyên đạt kết quả khả quan. Khảo sát thực tế cho thấy, với thị trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi như hiện nay, từ nay đến cuối năm, sản xuất ở lĩnh vực này tiếp tục đạt đà tăng trưởng khá.
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi đến một số doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Mặc dù đã cuối buổi chiều nhưng tại nhà xưởng của Công ty TNHH thang máy cơ khí Tân Lập, phường Tân Lập, không khí lao động, sản xuất vẫn diễn ra; tiếng máy móc, xì hàn vang cả khu nhà xưởng.
Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc Công ty phấn khởi cho biết: Càng về những tháng cuối năm, đơn đặt hàng càng nhiều, trong khi hàng tồn kho của Công ty không còn nên chúng tôi phải tranh thủ cho anh em công nhân làm tăng ca để có hàng xuất bán. Tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty năm nay thuận lợi hơn rất nhiều so với năm ngoái. Đến thời điểm này, Công ty đã đạt doanh thu trên 20 tỷ đồng, bằng doanh thu của cả năm 2017.
Còn tại Nhà máy sản xuất bê tông tươi và gạch không nung của Doanh nghiệp tư nhân Việt Cường được đặt tại Cụm công nghiệp Cao Ngạn, chúng tôi được ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc của doanh nghiệp chia sẻ, năm nay các công trình xây dựng nhiều, kéo theo nhu cầu về vật liệu xây dựng lớn nên giá cả tăng, đơn cử như giá gạch trên thị trường tăng khoảng 10% so với thời điểm này năm trước, nên không chỉ doanh nghiệp của chúng tôi mà các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng khác đều phát triển thuận lợåi.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp của T.P Thái Nguyên đạt trên 21.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực Nhà nước Trung ương đạt 9.150 tỷ đồng; tăng 6,2% so với cùng kỳ; khu vực liên doanh đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; khu vực địa phương đạt 5.325 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Điều đáng ghi nhận ngoài sự tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp thì các lĩnh vực có thế mạnh của T.P Thái Nguyên đã có sự tăng trưởng vượt bậc.
Cụ thể, lĩnh vực dệt may, công nghiệp cơ khí, chế tạo đều có mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp sản xuất chế biến chè tăng trưởng trên 5% với sản lượng chế biến đạt gần 3.000 tấn chè búp khô. Tại Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018, trên địa bàn Thành phố đã có 4 sản phẩm chè của 2 đơn vị (Hợp tác xã chè Tân Hương; Công ty cổ phần chè Tân Cương Hoàng Bình) được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018.
Để có “bức tranh” khởi sắc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thời gian qua, ngoài sự nỗ lực của từng doanh nghiệp thì vai trò của chính quyền Thành phố trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp cũng được thể hiện rất rõ nét. Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống; phối hợp với các đơn vị liên quan lập hồ sơ, trình UBND tỉnh Thái Nguyên thành lập cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1, Sơn Cẩm 3, xã Sơn Cẩm; thực hiện điều chỉnh quy hoạch Cụm công nghiệp Cao Ngạn 1; phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố...
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên đang có trên 300 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (tăng 16 doanh nghiệp so với năm 2017).
Ông Nguyễn Hoàng Mác, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, cho biết: Ngoài các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp có xu hướng gia tăng thời gian gần đây thì hiện nay đang có một số nhà đầu tư chiến lược đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố, như: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đầu tư vào Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1; Công ty cổ phần Vương Anh đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 3. Đây là những tín hiệu vui trong lĩnh vực phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Trong thời gian tới, T.P Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyên về tình hình phát triển công nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp như: thẩm định các dự án vay vốn, hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường để tiến hành đầu tư xây dựng các nhà máy, xưởng sản xuất và làng nghề...