Thời gian qua, cùng với việc giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo cho việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng luôn được T.X Phổ Yên quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao thu nhập của người dân địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Tuấn Linh, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm T.X Phổ Yên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn T.X Phổ Yên có hơn 7.000ha rừng các loại. Xác định công tác tuyên truyền bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm, do đó, Hạt thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và địa phương có diện tích rừng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng tới người dân; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch rừng. Đồng thời, tổ chức cho các chủ rừng ký cam kết không vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Hạt Kiểm lâm Thị xã thường xuyên phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý các điểm buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; kiểm tra, quản lý hoạt động của hơn 90 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn. Phân công cán bộ kiểm lâm tăng cường bám sát địa bàn, chủ động nắm bắt thông tin nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong việc quản lý và bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thị xã chưa xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép, cháy rừng…
Trở lại xã Phúc Thuận những ngày gần đây, ngoài những vườn cây ăn quả sai lúc lỉu, chúng tôi còn được thỏa sức ngắm nhìn những đồi keo xanh bát ngát ở các độ tuổi. Ông Nguyễn Văn Huân ở xóm Chãng cho biết: Nhận thấy tiềm năng và lợi thế về đất đai tại địa phương, từ những năm 1990, gia đình tôi đã cải tạo hơn 2ha đất đồi rừng và đưa cây keo vào trồng. Trước mỗi vụ trồng rừng, các hộ dân đều được cán bộ Hạt Kiểm lâm Thị xã, Ban Kiểm lâm xã Phúc Thuận tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch rừng. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật và chăm sóc, diện tích rừng của gia đình luôn phát triển tốt, sau 7-8 năm cho thu hoạch khoảng 70 triệu đồng/ha. Hiện nay, cùng với việc trồng rừng, gia đình ông Huân còn hình thành mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng (VACR), cho thu nhập đạt gần 500 triệu đồng/năm.
Song song với việc tập trung phát triển kinh tế rừng thì công tác bảo vệ rừng cũng được người dân chấp hành tốt. Ngoài việc tuân thủ trồng rừng theo lô, có hành lang thì người dân cũng sẵn sàng ứng trực, phối hợp xây dựng phương án chữa cháy rừng khi có sự cố xảy ra. Cùng với đó, xóm cũng đưa các quy định về bảo vệ tài nguyên rừng vào hương ước, quy ước của xóm để người dân cùng thực hiện.
Không chỉ xã Phúc Thuận, ở một số xã có diện tích rừng lớn như Phúc Tân, Thành Công, Vạn Phái… phát triển kinh tế đồi rừng cũng được đẩy mạnh cùng với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Trần Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phúc Tân, cho biết: Cùng với cây chè, trồng rừng sản xuất cũng là một trong những cây trồng thế mạnh được xã tập trung phát triển. Hiện nay, xã có trên 2.000ha rừng (chiếm 65% diện tích đất tự nhiên), trong đó rừng sản xuất khoảng 700ha, còn lại là rừng phòng hộ. Việc trồng rừng gắn với sự hình thành ngày càng lớn mạnh của các cơ sở chế biến gỗ ở địa phương đã góp phần mang lại nguồn thu nhập khá, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Từ hiệu quả kinh tế do rừng mang lại, hằng năm xã luôn tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân tận dụng diện tích đất trống, đồi bãi để trồng rừng, bình quân mỗi năm Phúc Tân trồng mới khoảng 60ha rừng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Thị xã đến cơ sở, ý thức của người dân trên địa bàn trong việc phát triển, bảo vệ rừng đã được nâng lên. Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2018, T.X Phổ Yên trồng được 120ha (đạt 100% kế hoạch), ngoài ra người dân tự trồng gần 60ha, rừng phòng hộ 24ha. Nhằm thúc đẩy kinh tế rừng cũng như quản lý bảo vệ rừng, thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Thị xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tận dụng diện tích vườn đồi để trồng rừng, đảm bảo cung ứng đủ cây giống và thực hiện các nguồn hỗ trợ theo quy định. Chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, dân quân tự vệ và chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy, đặc biệt ở các khu vực rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, hồ Nước Hai, hồ Suối Lạnh. Cùng với đó, Thị xã cũng khuyến khích các hộ dân trồng rừng gắn với phát triển các mô hình V.A.C, V.A.C.R nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.