Những năm gần đây, nông dân huyện Đại Từ coi vụ Đông là vụ sản xuất chính trong năm, bởi cây trồng vụ Đông đã mang lại giá trị kinh tế cao. Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, bà con chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Khác với khoảng 5 năm trước, sau khi gặt xong lúa vụ mùa, cánh đồng thuộc xóm Đặn 2, xã Ký Phú gần như bỏ không chờ đến vụ Xuân năm sau người dân mới cấy tiếp. Vài năm trở lại đây, bà con địa phương đã có sự tính toán bố trí các vụ sản xuất hợp lý để có thể làm thêm vụ Đông. Từ vụ Mùa, người dân địa phương đã đẩy thời gian gieo cấy lên sớm hơn để giải phóng đất phục vụ trồng cây vụ Đông. Sau khi gặt xong lúa Mùa là bà con lại bắt tay ngay vào làm đất để trồng các loại cây màu, như: Ngô, rau, củ đậu, bí… Thế nên, trên cánh đồng này gần như không có thời gian cho “đất nghỉ”. Đồng chí Ngô Văn Bản, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vụ Đông năm nay cũng là năm mà địa phương trồng nhiều cây màu nhất. Toàn xã trồng được khoảng 200ha, trong đó phần lớn là ngô và các loại rau, quả.
Không riêng Ký Phú mà những năm gần đây, bà con huyện Đại Từ đã thực sự coi vụ Đông là một trong những vụ sảnxuất chính của năm. Chính vì thế, bà con đã không ngừng mở rộng diện tích cây trồng. Vụ Đông năm nay, huyện Đại Từ có kế hoạch trồng gần 3.000ha cây màu. Trong đó, ngô là 430ha, khoai lang là 260ha, rau các loại là: 2.260ha. Các địa phương có diện tích cây màu vụ Đông nhiều nhất là các xã, thị trấn: Hùng Sơn với 125ha; Văn Yên: 210ha; Ký Phú: 200ha; Bản Ngoại: 172ha… Hiện nay, bà con đã cơ bản trồng hết diện tích.
Năm nay, để đạt được diện tích cây trồng vụ Đông như hiện nay, trước đó, căn cứ các chỉ tiêu sản xuất vụ Đông năm 2018 được giao, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất vụ Đông, giao chỉ tiêu cụ thể cho các xóm, đội. Cùng với đó, phân công các thành viên ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, các ban, ngành đoàn thể trực tiếp xuống chỉ đạo tại các xóm, tham dự họp để cùng bàn, xây dựng kế hoạch triển khai với từng xóm, đội.
Cùng với việc mở rộng diện tích, Đại Từ đặc biệt chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thu hẹp các diện tích cây trồng có giá trị thấp. Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Lựa chọn các giống có năng suất ổn định, chất lượng cao, có khả năng chống chịu khá, khuyến khích người dân đưa các giống mới đã qua khảo nghiệm vào sản xuất như: Sử dụng các giống ngô ngắn ngày có năng suất cao như: HN88, NK4300, NK6654, LVN4, LVN99, CP111, CP333, CP888, CP999, GS9989, SB099, CP501; với khoai tây sử dụng giống Hà Lan Sinora, Marabel, Atlantic, Đức solara. Riêng với cây rau, tăng diện tích hợp lý đối với một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, ưu tiên sản xuất cây rau màu có ưu thế chế biến, có thị trường tiêu thụ như dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, cà chua, bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt, ớt...
Bên cạnh đó, huyện khuyến cáo bà con áp dụng kỹ thuật tổng hợp đối với từng loại cây trồng trong khung thời vụ để phát huy hết tiềm năng của giống. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, có các giải pháp ứng phó khi xảy ra các yếu tố bất lợi cho sản xuất như lụt, bão, rét…. Ngoài ra, thực hiện bón phân cân đối đối với từng loại cây trồng, sử dụng nước tưới phù hợp đối với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Đặc biệt, xây dựng và tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, khuyến khích các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX đăng ký chứng nhận VietGAP cho sản phẩm rau, màu.
Với mục tiêu, vụ Đông năm 2018, toàn huyện đạt sản lượng 1.806 tấn ngô, 1.976 tấn khoai lang, 1.080 tấn khoai tây, 4.875 tấn bí xanh và bí đỏ, 31.008 tấn rau màu khác, hiện nay, bà con đang tích cực chăm sóc cây màu. UBND huyện chỉ đạo các ngành, Trạm Bảo vệ thực vật, UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ và thông báo diễn biến tình hình sâu bệnh hại để kịp thời có biện pháp phòng trừ, không để sâu bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng vụ Đông, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.