Nhiều giải pháp để vượt thu và giảm nợ đọng thuế

09:51, 28/11/2018

14 nghìn tỷ đồng là số thu ngân sách tối thiểu tỉnh ta phấn đấu đạt được trong năm nay. So với kế hoạch được giao, mức chỉ tiêu phấn đấu này cao hơn khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, ngành Thuế cũng phải giảm số nợ thuế của các doanh nghiệp (DN) xuống dưới 5% trong tổng thu ngân sách. Đây được xem là nhiệm vụ khá nặng nề trong thời gian còn lại của năm. Vì thế, nhiều giải pháp đã và đang được ngành Thuế tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ.

Theo ông Đỗ Trọng Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc vượt thu ngân sách đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên ngay sau khi có chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ và UBND tỉnh, ngành Thuế đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước đó, tính đến hết tháng 10, ngành Thuế tỉnh thu ngân sách được gần 8.750 tỷ đồng, bằng 88% dự toán năm; Chi cục Hải quan thu được 2.475 tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm; số nợ thuế có khả năng thu là 584 tỷ đồng. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, mỗi tháng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh phải đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng - cao hơn số thu bình quân chung trong 10 tháng trước đó từ 400-500 tỷ đồng/tháng; còn số nợ thuế giảm xuống dưới 5% đúng theo quy định của Tổng cục Thuế. Trước yêu cầu đặt ra, lãnh đạo Cục Thuế đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và UBND 9 huyện, thành, thị để bàn biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế, thu hồi nợ đọng thuế; đồng thời gặp gỡ, tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc và triển khai các văn bản, quy định liên quan đến việc xử lý nợ thuế đối với các DN có số nợ lớn.

Năm nay, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh được Chính phủ, Bộ Tài chính giao là 13.112 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 9.912 tỷ đồng do ngành Thuế thực hiện, còn lại 3.200 tỷ đồng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu do Chi cục Hải quan Thái Nguyên đảm nhận. Tuy nhiên, qua phân tích, dự báo của Chi cục Hải quan Thái Nguyên thì nhiều khả năng đơn vị này chỉ hoàn thành cao nhất được 90% kế hoạch được giao - tương đương 2.900 tỷ đồng. Bởi tính đến ngày 26-11, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh mới đạt 2.675 tỷ đồng (đạt 83,6%), trong đó Tập đoàn Samsung đóng góp 1.862 tỷ đồng (trong khi dự toán thu năm nay của đơn vị này là 2.350 tỷ đồng). Điều này đồng nghĩa, ngành Thuế sẽ phải gánh thêm khoản hụt thu 300 tỷ đồng từ Chi cục Hải quan, khiến số thu mà ngành Thuế sẽ phải thực hiện trong năm nay ít nhất là trên 11.100 tỷ đồng, vượt khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng so với mục tiêu phấn đấu của tỉnh.

Tại buổi làm việc với 26 đơn vị, DN có số nợ thuế trên 3 tỷ đồng do Cục Thuế tỉnh tổ chức ngày 23-11 vừa qua, bên cạnh việc triển khai Chỉ thị của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế để giảm nợ đọng ngành Thuế quản lý và Phương án thu hồi nợ đọng thuế của Cục Thuế tỉnh, Ban lãnh đạo Cục Thuế cũng đã lắng nghe, chia sẻ và ghi nhận những khó khăn mà nhiều DN đang gặp phải. Trong đó, đáng chú ý có 2 nhóm DN nguyên nhân dẫn đến nợ thuế là do yếu tố khách quan: Một nhóm cũng đang bị NSNN nợ (chủ yếu là DN sản xuất xi măng, ứng trước cho tỉnh để cấp cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới) và một nhóm bị tác động bởi cơ chế, chính sách, cụ thể là Nghị định số 203/2013/NĐ-CP (đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản).

Trước khó khăn này của DN, người đứng đầu ngành Thuế khẳng định, đối với các DN đang bị ngân sách nợ, sẽ tiến hành rà soát, tổng hợp, đối chiếu số liệu, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh và các ngành liên quan ưu tiên bố trí nguồn vốn trong thanh toán từ nay đến cuối năm cho DN để các DN này có điều kiện thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN. Còn với các DN khai thác và chế biến khoáng sản đã có quyết định đóng cửa mỏ, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản mà chưa tiến hành khai thác…, ngành Thuế sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương và tỉnh về những bất cập trong thực tế để DN không phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp, đồng thời để giảm số nợ đang “treo” tại cơ quan thuế... Ngoài ra, cũng tại buổi làm việc với Cục Thuế tỉnh, nhiều DN (ngoài 2 nhóm kể trên) cũng đã thể hiện quyết tâm cao trong việc cân đối các khoản thu, chi để nộp toàn bộ hoặc một phần nợ thuế vào NSNN trong tháng 12-2018 này.

Theo ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, tính đến hết tháng 10, thành phố đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm tỉnh giao, nhưng với vai trò là trung tâm kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh, luôn dẫn đầu về nguồn thu, T.P Thái Nguyên sẽ nỗ lực vượt thu khoảng 800 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung rà soát tất cả các nguồn thu để thu đúng, thu đủ các nguồn thu đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch, đặc biệt là các khoản nợ đọng thuế của DN; sẽ thực hiện thanh toán bù - trừ đối với DN nợ thuế mà ngân sách cũng đang nợ tiền DN. Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất, thành phố sẽ tập trung giải quyết khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đề nghị với tỉnh và các sở, ngành sớm thực hiện việc định giá, để đẩy nhanh việc đấu giá quyền sử dụng đất các khu dân cư; cùng với đó đôn đốc các tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện các khoản nợ đối với ngân sách. Còn theo ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, địa phương sẽ phấn đấu vượt thu trên 100 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.

Có thể nói, với những nỗ lực của ngành Thuế và sự đồng thuận, nhất trí cao của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, tin tưởng rằng mục tiêu 14 nghìn tỷ đồng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong năm nay sẽ sớm hoàn thành, góp phần quan trọng giúp tỉnh sớm đạt được mục tiêu tự cân đối thu - chi trước năm 2020.

Phương án thu hồi nợ đọng thuế ngày 25/10/2018 của Cục Thuế Thái Nguyên nêu rõ: Ban hành 100% thông báo tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp gửi người nợ thuế; áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với 100% các DN nợ thuế đã quá thời hạn từ 91 ngày trở lên; ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với DN nợ thuế quá thời hạn từ 121 ngày; thực hiện việc thu đạt ít nhất 80% theo các quyết định truy thu và xử phạt sau thanh, kiểm tra; phối hợp với các ngân hàng thực hiện biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của các đơn vị nợ thuế; phối hợp với ngành kế hoạch - đầu tư thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với người nộp thuế chây ỳ, nợ đọng thuế…