6 năm qua, ngoài phân bổ hợp lý số xi măng do tỉnh hỗ trợ cho các địa phương, Đại Từ còn trích một phần kinh phí từ ngân sách huyện mua xi măng hỗ trợ các xã, thị trấn. Nhờ đó, các địa phương đã huy động được sự đóng góp, đối ứng từ nhân dân từ nhân dân như nguyên vật liệu (cát, đá, sỏi), máy móc thiết bị, ngày công lao động, hiến đất và hiến tài sản, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn...
Bà Hoàng Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường (Đại Từ) cho hay: Năm 2017 là thời điểm địa phương chúng tôi phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nên được huyện ưu tiên phân bổ trên 3.100 tấn xi măng làm 17km đường giao thông nông thôn. Để nâng cao chất lượng các tiêu chí, năm nay, chúng tôi đăng ký nhu cầu và được huyện phân bổ 100 tấn xi măng... Nếu không có nguồn xi măng hỗ trợ của Nhà nước, không chỉ riêng Phú Cường mà nhiều địa phương khác cũng khó hoàn thành được nhiều tiêu chí khó như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi.
Đúng như chia sẻ của bà Bích, từ nguồn xi măng được hỗ trợ đã giúp các địa phương trong huyện huy động được người dân tham gia thực hiện Chương trình Xây dựng NTM một cách hào hứng, nhiệt tình. Bà Nguyễn Thị Ánh, xóm Bậu 2, xã Văn Yên (Đại Từ) chia sẻ: Khi xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tiền mua xi măng chiếm khoảng 60-80% kinh phí. Bởi vậy, được hỗ trợ xi măng, chúng tôi có động lực để đối ứng cùng Nhà nước xây dựng kênh mương, làm đường giao thông, nhà văn hóa.
Thực tế ở cơ sở cho thấy, các địa phương trên địa bàn huyện Đại Từ đã và đang triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Theo đó, năm 2017, Đại Từ được tỉnh hỗ trợ trên 23,3 nghìn tấn xi măng (tương đương hơn 32,6 tỷ đồng). Ngân sách huyện cũng đầu tư trên 2,5 tỷ đồng mua trên 1,8 nghìn tấn xi măng nữa. Toàn bộ số xi măng naây àaä àûúåc phên böí cho 28 xã và 2 thị trấn (thị trấn Hùng Sơn, thị trấn Quân Chu) làm được xấp xỉ 150km đường giao thông nông thôn và đường vào vùng sản xuất tập trung; làm công trình phụ trợ của 42 nhà văn hóa xóm thuộc các xã Phú Cường, Phục Linh, Hà Thượng, Cát Nê, La Bằng, Minh Tiến...
Năm 2018, căn cứ vào nhu cầu của các địa phương, huyện Đại Từ đã đăng ký và được tỉnh hỗ trợ 21,8 nghìn tấn xi măng. Địa phương đã phân bổ xi măng cho các địa phương làm đường giao thông và hạ tầng khu phát triển sản xuất. Ngoài ra, Đại Từ cũng trích từ ngân sách huyện mua 241 tấn xi măng hỗ trợ các xã, thị trấn xây dựng công trình phụ trợ nhà văn hóa xóm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua, Đại Từ đã sử dụng đúng mục đích toàn bộ số xi măng được hỗ trợ. Tất cả các công trình xây dựng đều được hoàn thành với chất lượng tốt, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của huyện, không có công trình xây dựng sai mục đích hoặc sử dụng không hiệu quả. Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ nói: Đạt được kết quả này là do hằng năm, huyện đã thực hiện phân bổ xi măng theo nhu cầu và khả năng thực hiện của các xã, thị trấn. Trong đó, đối với những địa phương đăng ký làm đường giao thông, huyện ưu tiên phân bổ cho các xã, thị trấn theo khối lượng thực tế đã tạm ứng và đang triển khai thực hiện; phần còn lại thì ưu tiên các xã về đích NTM...
Đối với nguồn xi măng đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất, huyện chỉ phân bổ cho các xã có nhu cầu. Trong quá trình triển khai, huyện thường xuyên rà soát khả năng thực hiện của các xã, kịp thời điều chuyển khối lượng xi măng ở các xã không có khả năng sử dụng sang các xã khác có nhu cầu...
Đặc biệt, để việc sử dụng nguồn xi măng đạt hiệu quả cao nhất, hằng năm, huyện thực hiện lồng ghép các nguồn vốn Chương trình 135, vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM, ngân sách tỉnh, huyện cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn... Về phía các địa phương cũng đã phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân, để người dân biết, bàn và tự kiểm tra.