Chú trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

13:29, 14/12/2018

Năm 2018, huyện Đại Từ đề ra mục tiêu đạt 6.004 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương, nhưng đến nay, huyện đã vượt mục tiêu đề ra. Có được kết quả này là do huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Tính đến hết tháng 10-2018, giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN) địa phương của huyện Đại Từ đã đạt 6.104 tỷ đồng, vượt 100 tỷ đồng so với kế hoạch và dự kiến đến hết năm con số vượt sẽ có thể tăng lên trên 1.000 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm, huyện đã tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự phối hợp của các cấp, ngành trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp của Đề án phát triển CN-TTCN, giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch triển khai Đề án trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển CN- TTCN, đồng thời huy động sự tham gia của các ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp trong việc xây dựng các kế hoạch và biện pháp cụ thể để đẩy mạnh  vận động, xúc tiến đầu tư, huy động vốn để phát triển CN - TTCN và làng nghề.

Trong năm huyện thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, cơ sở tham gia vào đầu tư sản xuất tại địa phương theo hướng đa dạng các ngành nghề, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Năm 2018, ngoài việc giá trị sản xuất CN-TTCN địa phương dự ước tăng thêm trên 1.000 tỷ đồng từ giá trị sản xuất của Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo do Công ty này đã được Tập đoàn Masan mua lại 49% cổ phần thì huyện cũng thu hút thêm nhiều doanh nghiệp. Hiện nay, toàn huyện trên 1.500 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất CN-TTCN, thu hút khoảng trên 5.000 lao động với thu nhập bình quân từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó chủ yếu là các cơ sở chế biến chè, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Huyện đã chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; kiện toàn và phát triển các làng nghề. Đây là giải pháp có hiệu quả, vốn đầu tư ít mà lại giải quyết được nhiều lao động, đồng thời có thể tranh thủ nhanh được công nghệ hiện đại và thích hợp. Các doanh nghiệp này làm đầu mối hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho các hộ làng nghề phát triển. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, duy trì phát triển làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống đã được công nhận. Xây dựng phát triển làng nghề mới gắn với quy hoạch nông thôn. Hiện trên địa bàn có 37 làng nghề, trong đó có 4 làng nghề và 33 làng nghề truyền thống.

Không chỉ thu hút phát triển thêm các đơn vị sản xuất kinh doanh, đối với các đơn vị đang hoạt động từ trước, huyện tăng cường đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi nhằm nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, hiểu rõ những bất cập trong cơ chế, chính sách, từ đó tìm cách giải quyết. Năm 2018, UBND huyện đã tổ chức được 4 cuộc đối thoại với doanh nghiệp, ngoài ra các ngành chuyên môn cũng thường xuyên gặp gỡ với doanh nghiệp để trao đổi thông tin. Qua ý kiến của các doanh nghiệp, huyện đã nắm bắt được thực tế sản xuất, kinh doanh ở các đơn vị, qua đó thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động như: Cải cách thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ máy móc thiết bị…

Đơn cử như hỗ trợ máy móc trong sản xuất gạch không nung cho Công ty TNHH Thế Dương Thái Nguyên, ở xã Phú Xuyên. Ông Vũ Bá Thế, Giám đốc Công ty cho biết: Nhờ được hỗ trợ máy ép gạch không nung kiểu mẫu QT-25, công suất 20.000 viên/ca, Công ty đã sử dụng các nguyên liệu như: Xi măng, đá mạt, cát, tro, xỉ để thay thế đất sét nung như trước đây. Nhờ có loại máy này, Công ty đã nâng cao năng suất, chất lượng gạch, giảm thiểu tiếng ồn, ô nhiễm môi trường… Từ đó, sản phẩm gạch của Công ty đã được thị trường tin dùng, các đơn hàng có giá trị cao ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, huyện tích cực khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các chương trình, dự án phù hợp với thị trường và vùng nguyên liệu. Tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, từ đó kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất CN-TTCN, tập trung phát triển thêm các ngành nghề, nhất là ngành nghề truyền thống có thế mạnh, có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động. Tập trung triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể “Chè Đại Từ”.

Ngoài ra, huyện đã tăng cường phối hợp với các ngành của tỉnh để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm tiêu biểu của huyện. Tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở và làng nghề tham gia Lễ hội Trà, Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm”… Nhờ đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của huyện. Ước tính năm 2018, giá trị sản xuất CN- TTCN địa phương của huyện đạt 7.172 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp. Để công nghiệp của huyện tiếp tục đem lại giá trị cao và bền vững, hiện huyện đang tập trung phát triển các cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, chuyển đổi mô hình quản lý chợ nhằm xã hội hoá đầu tư phát triển các chợ đô thị, chợ nông thôn để các chợ là trung tâm hoạt động thương mại của từng vùng trong huyện, tạo điều kiện giao thương hàng hoá, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.