Những năm gần đây, nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản đã được phát triển trên địa bàn huyện Đại Từ, đặc biệt là các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Hàng năm, sản lượng thủy sản của huyện luôn vượt kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân.
Huyện Đại Từ có tổng diện tích mặt nước gần 3.380ha, trong đó có 2.800ha là của 34 hồ chứa lớn, nhỏ. Đó là chưa kể trên địa bàn huyện còn có hồ Núi Cốc (một hồ chứa nhân tạo rộng lớn nổi tiếng từ lâu) và hệ thống sông, suối khá dày nằm ven chân dãy núi Tam Đảo. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển chăn nuôi thủy sản. Chính vì thế, những năm gần đây, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng và các xã, thị trấn tập trung phát triển lĩnh vực này.
Hàng năm, huyện phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn cho nhân dân địa phương về kỹ thuật chăn nuôi cá nước ngọt theo hướng thâm canh và bán thâm canh, cách phòng bệnh cho cá, nhất là ở những xã có diện tích mặt nước lớn (như: Cù Vân, Văn Yên, Ký Phú, Vạn Thọ…). Thông qua đó giúp bà con có thêm kiến thức và biết tận dụng triệt để diện tích mặt nước để phát triển chăn nuôi thủy sản, từng bước thay đổi tư duy về lĩnh vực sản xuất này.
Trước đây, việc chăn nuôi thủy sản ở địa phương hầu hết là tự phát, có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu các hộ chỉ chăn thả một số loại cá để cải thiện bữa ăn gia đình, thỉnh thoảng mới đem ra chợ bán. Nhưng đến nay, được sự định hướng của cơ quan chức năng, các địa phương trong huyện đã phát triển chăn nuôi thủy sản tập trung hơn, quy mô chăn thả ngày càng được mở rộng. Cùng với việc người dân chăn thả các loại cá truyền thống (như: Trôi, trắm, chép, rô phi…) còn xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi các giống cá mới trên địa bàn đem lại giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, đối với một số xã có nguồn nước lạnh chảy xuống từ dãy núi Tam Đảo (như: La Bằng, Hoàng Nông, Mỹ Yên, Quân Chu, Ký Phú…), bà con nhân dân có thể nuôi được các loại cá ưa nước lạnh (như cá tầm, cá lăng, cá hồi…). Tận dụng lợi thế này, người dân đã triển khai một số mô hình chăn nuôi cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong lĩnh vực nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện Đại Từ, đáng chú ý nhất là những mô hình nuôi cá tầm bên dòng suối Kẹm quanh năm mát lạnh ở xã La Bằng. Với cách làm chặn dòng suối Kẹm để đưa nước suối lạnh từ trên núi dẫn thẳng vào các bể nuôi cá, môi trường nước ở đây cực kỳ trong mát, rất phù hợp với loài cá nước lạnh. Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh Nguyễn Cao Đạt, ở xóm Kẹm, xã La Bằng, vào một ngày đầu tháng 12 này.
Anh Đạt cho biết: Mô hình này được hình thành từ năm 2010 bởi một kỹ sư thủy sản, tôi mới mua lại được 2 năm với giá 1 tỷ đồng. Khi đó, tôi mới chỉ có trong tay 200 triệu đồng, toàn bộ số vốn còn lại tôi đều vay ngân hàng. Quyết định này ai cũng bảo là liều lĩnh, nhưng vốn từ nhỏ tôi sống ở đây, gắn bó với dòng suối Kẹm, không ít lần vào thăm trại cá tầm này và tôi cực kỳ thích thú. Khi nghe tin chủ trại cá có ý định bán, tôi đã quyết tâm mua lại. Sau khi mua, tôi lên SaPa (Lào Cai) và Lai Châu để bắt cá giống về thả. Hiện nay, với 13 bể nuôi, tôi luôn duy trì từ 5.000 đến 6.000 con cá. Hiện trong bể có con đạt đến trọng lượng 30kg, cá thịt có trọng lượng từ 3-5kg. Sau 2 năm gắn bó với loài cá này, đến nay, tôi đã có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong chăn nuôi cá tầm, nên cá quanh năm không mắc bệnh tật. Đến kỳ xuất bán, tôi chỉ cần gọi thương lái đến tận nơi bắt chứ tôi không phải lo đầu ra. Với giá bán hiện nay trên thị trường gần 300 nghìn/kg, mỗi năm tôi thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Cùng với một số mô hình nuôi cá tầm, một mô hình nuôi cá lồng tuy khá mới mẻ nhưng cũng đã chứng minh được hiệu quả kinh tế tại hồ Gò Miếu, xã Ký Phú. Đó là mô hình nuôi cá lồng của ông Lưu Văn Hạnh. Năm 2016, ông Hạnh quyết định lắp đặt 30 lồng, ban đầu nuôi hơn 20.000 con cá lăng, cùng 2.500 con cá chiên. Ngoài ra, ông Hạnh còn nuôi thêm nhiều loài khác như: Trắm đen, trắm trắng, trê lai, rô phi, diêu hồng, lóc… Đến nay, mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 70-80 tấn cá các loại, trong đó có 40 tấn cá lăng, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Do biết khai thác tốt diện tích mặt nước hiện có để phát triển chăn nuôi thủy sản, mạnh dạn phát triển chăn nuôi thủy sản thâm canh, đặc biệt là nuôi thâm canh bằng giống thủy sản có năng suất, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, nên chăn nuôi thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, tăng dần về năng suất, sản lượng và giá trị. Đến nay, chăn nuôi thủy sản đã chiếm tỷ trọng khá trong ngành nông nghiệp ở Đại Từ. Hằng năm chỉ tiêu sản lượng thủy sản đều hoàn thành và hoàn thành vượt so với kế hoạch giao. Năm 2017, sản lượng thủy sản toàn huyện đạt trên 3.000 tấn, vượt trên 200 tấn so với kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho ngành nông nghiệp.