Giữ mức tăng hợp lý vì chất lượng tín dụng

08:29, 23/12/2018

Tính đến cuối tháng 11, tăng trưởng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tăng xấp xỉ 9,9% so với  cuối năm 2017. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong khoảng 4 năm trở lại đây, nhưng theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh và nhiều NH thương mại cổ phần, thì đây là bức tranh chung của toàn hệ thống, theo tinh thần chỉ đạo của NHNN, nhằm mục tiêu kiểm soát nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.

Theo báo cáo từ NHNN Chi nhánh tỉnh, tính đến cuối tháng 11, tổng nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 50.743 tỷ đồng, trong khi đó, nguồn vốn huy động lại đạt tới 52.878 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cuối năm 2017. Kết quả này phần nào cho thấy, mặc dù lãi suất huy động trong năm cơ bản vẫn giữ ở mức ổn định và được cho là không cao so với nhiều năm về trước, nhưng gửi tiết kiệm qua NH vẫn được xem là kênh đầu tư hiệu quả, an toàn, nên được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn.

Trong tổng số 26 đầu mối chi nhánh NH thương mại (không tính các tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân), kết quả huy động nguồn vốn và dư nợ cho vay của các chi nhánh cơ bản đều có mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này lại có sự chênh lệch khá đáng kể. Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh, có nhiều nguyên nhân khiến kết quả đạt được của mỗi chi nhánh có sự khác nhau. Trước hết là phụ thuộc vào sự giao chỉ tiêu của Hội sở chính. Và thường thì, những chi nhánh có số tuyệt đối lớn, mức tăng trưởng sẽ chỉ dao động quanh mức 10%; nếu số tuyệt đối nhỏ, thì mức tăng trưởng có thể lên tới vài chục, thậm chí vài trăm phần trăm.

Bên cạnh những chi nhánh tăng trưởng dương, lại có chi nhánh tăng trưởng âm, nghĩa là dư nợ cho vay giảm. Đối với những chi nhánh này, bên cạnh sự định hướng, chỉ đạo của Hội sở chính, cũng có chi nhánh do khó khăn trong tìm kiếm nguồn khách hàng nên không thể thực hiện được cho vay; lại có chi nhánh, chỉ cần một vài khách hàng lớn tạm thời trả nợ gốc trong thời gian ngừng nhập hàng hoặc không có nhu cầu sử dụng vốn nên trả ra, thì cũng khiến dư nợ của chi nhánh đó bị ảnh hưởng. Có cả những NH, có khả năng tăng trưởng tín dụng nhiều hơn, nhưng do bị khống chế mức tăng từ Hội sở chính nên hoặc tạm thời hoãn giải ngân khoản vay mới, hoặc tìm cách giảm dư nợ cho vay đối với khách hàng tiềm ẩn rủi ro cao hơn. Nói như vậy không có nghĩa, việc vay vốn của các tổ chức, cá nhân tại các NH gặp khó khăn. Mà ngược lại, nếu đủ các điều kiện theo quy định, thì chưa khi nào, khách hàng lại được các NH chào mời vay vốn thuận lợi như hiện nay.

Ngược lại, với các khách hàng dưới chuẩn, thì đây cũng là thời gian rất khó để tiếp cận nguồn vốn, bởi các NH, bên cạnh việc tăng trưởng dư nợ thì điều quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng tín dụng phải được đảm bảo. Nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có cả từ hoạt động tín dụng đen hiện nay. Cũng chính vì thế, nợ xấu của các chi nhánh NH trên địa bàn tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, chỉ chiếm 0,89% trên tổng dư nợ.

Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Tính đến giữa tháng 12, dư nợ cho vay của Chi nhánh đã tăng  trên 15% (9.887 tỷ đồng). Vì thế, trong những ngày cuối năm, Chi nhánh sẽ phải giảm một vài tỷ đồng, để đảm bảo tối đa 15%, tránh bị Hội sở “tuýt còi”. Tuy nhiên, có một thực tế mà theo phân tích của ông Quý rất đáng quan tâm đó chính là trong cơ cấu tín dụng của Chi nhánh năm nay, tỷ trọng dư nợ cho vay kỳ trung, dài hạn chỉ còn 17% (còn lại là kỳ ngắn hạn), trong khi trước đó thường duy trì ổn định ở mức 22-23%. Ông Quý phân tích: Tỷ trọng dư nợ cho vay trung, dài hạn giảm có thể được nhìn nhận theo 2 góc độ: Hoặc là do doanh nghiệp đã tự tăng được vốn bằng các hình thức như lên sàn; hoặc là nguồn vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất bị chững lại, mà đổ vào các lĩnh vực khác, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chu kỳ sản xuất - kinh doanh ở giai đoạn tiếp theo. Và trên thực tế, việc giảm tỷ trọng dư nợ kỳ trung, dài hạn lại đang là ở khả năng thứ hai. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều NH có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn. Và theo dự báo, mặc dù năm 2018, nhiều nhà đầu tư đã đăng ký thực hiện nhiều dự án nhưng với các cơ chế, chính sách hiện tại, để có thể giải ngân cho các dự án này, thì sẽ cần ít nhất 2 năm nữa. Dù vậy, với BIDV Thái Nguyên, hiện đã có 2 dự án khác vay vốn trung, dài hạn đã cơ bản hoàn tất thủ tục, dự kiến được giải ngân trong quý I-2019.

 Đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên, năm 2018 tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động kinh doanh, với mức tăng thu từ dịch vụ đạt tới trên 40% so với năm 2017. Và theo nhận định của ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc Chi nhánh thì 2019 được dự báo sẽ duy trì được sự ổn định, thuận lợi với ngành ngân hàng, khi mà các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh được cho là sẽ giữ được sự ổn định, cùng với đó một số khách hàng của Chi nhánh có kế hoạch mở rộng quy mô nên sẽ gia tăng nhu cầu vay vốn.

Có thể nói, hoạt động huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong năm qua đã đáp ứng đúng với định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, đóng góp tích cực vào các chỉ tiêu tăng trưởng chung của địa phương. Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng tín dụng hiện nay, nhằm đảm bảo tính an toàn, hiệu quả của hệ thống, thì để được đáp ứng nhu cầu về vốn, các tổ chức, cá nhân ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều cần nâng cao hiệu quả và sự minh bạch, nếu không muốn bị các tổ chức tín dụng từ chối, mặc dù lúc nào hệ thống ngân hàng cũng đủ khả năng đáp ứng tốt trước nhu cầu của khách.