Năm 2018, Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) phải đối mặt với nhiều khó khăn từ thị trường tiêu thụ đến áp lực đổi mới về công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất. Song nhờ có tư duy sáng tạo, cán bộ, người lao động đã tìm ra giải pháp phù hợp giúp đơn vị nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước vượt qua khó khăn.
Đầu tháng 12, chúng tôi có mặt tại Nhà máy Cán thép Lưu Xá và cảm nhận được không khí lao động nhộn nhịp khắp các phân xưởng sản xuất. Hơn 300 người lao động được quay trở lại để tiếp tục gắn bó với công việc quen thuộc khiến cho niềm vui và khí thế lao động tại đây như được nhân lên.
Ông Vũ Văn Úy, Giám đốc Nhà máy cho hay: Sau 3 đợt phải dừng sản xuất là tháng 1, tháng 7 và 20 ngày của tháng 9, người lao động không khỏi lo lắng về tình hình sản xuất của đơn vị. Vì thế để giữ chân người lao động và đưa Nhà máy quay trở lại sản xuất với khí thế quyết tâm là việc không đơn giản.
Tìm hiểu cụ thể chúng tôi được biết, năm nay, Nhà máy đặt mục tiêu sản xuất 160 nghìn tấn thép, nhưng đến tháng 10 mới chỉ hoàn thành trên 65% kế hoạch, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do thép xây dựng đang bị bão hòa khiến thị trường tiêu thụ gặp khó khăn.
Ông Vũ Văn Úy cho biết thêm: Năm 2018, chúng tôi dự báo cơ bản đúng tình hình biến động của thị trường thép trong nước, minh chứng là Nhà máy đã chủ động giảm 40 nghìn tấn thép xây dựng và tăng 60 nghìn tấn thép hình so với năm 2017. Vì thế, 10 tháng đầu năm nay, mặc dù sản lượng thép xây dựng giảm gần 20 nghìn tấn so với cùng kỳ nhưng hoàn toàn nằm trong kế hoạch của đơn vị. Còn đối thép hình mặc dù tăng trưởng nhưng chỉ tăng đối với sản phẩm thép hình phục vụ làm kết cấu cơ khí đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao từ bề mặt sản phẩm, trọng lượng đến kích thước hình học. Trong khi từ trước tới nay, Nhà máy chủ yếu tập trung sản xuất thép hình chống lò với kỹ thuật đơn giản. Vì thế khi thị trường thay đổi theo hướng đòi hỏi các sản phẩm kỹ thuật cao thì máy móc, thiết bị của Nhà máy không kịp thích ứng và buộc phải tạm dừng sản xuất để thay đổi.
Trong thời tạm dừng sản xuất, tập thể lãnh đạo và người lao động đã lo lắng, trăn trở đi tìm các giải pháp làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm bằng công nghệ sản xuất lạc hậu. Bởi quan điểm định hướng của Công ty là không khuyến khích đầu tư mới công nghệ, dây chuyền do thị trường thép ngày càng khó khăn, cộng với áp lực từ việc trả lãi ngân hàng đối với Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II.
Trước đòi hỏi này, tập thể Nhà máy xác định tháo gỡ khó khăn chủ yếu bằng nội lực và dựa vào tư duy sáng tạo. Cụ thể, Nhà máy tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề sản xuất thép hình giữa các công nhân với nhau, mời công nhân đã nghỉ hưu có tay nghề giỏi về chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất đối với người lao động. Song song với đó, Nhà máy tăng cường khuyến khích người lao động phát huy tinh thần sáng tạo về cải tiến thiết bị, máy móc theo nhu cầu sản phẩm trên thị trường.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Phân xưởng sản xuất cho biết: Trong thời gian tạm dừng sản xuất, từ kỹ sư đến người lao động đều phải “căng” mình nghiên cứu cải tiến, thay thế các phụ tùng, bị kiện từ trục cán, bạt lót đến các chi tiết nhỏ như lưỡi cưa, theo hướng tăng độ bền và kéo dài thời gian sản xuất. Và một trong những sáng kiến giúp đơn vị “lội ngược dòng” và ký được nhiều đơn hàng ngay sau khi trở lại sản xuất đó là thay đổi nhiên liệu dầu FO và khí CNG sang sử dụng dầu Cốc trong nung phôi. Cụ thể, sau khi đưa dầu Cốc vào chạy thử nghiệm, kết quả nung phôi đạt trên 90% so với nung bằng nhiên liệu cũ. Trong khi dầu Cốc do Công ty tự sản xuất nên có thể chủ động về thời gian với tiết kiệm được chi phí với giá mua chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tấn, giảm tới 9 lần so với mua dầu FO và khí CNG từ bên ngoài. Điều này cũng đã góp phần giảm giá bán sản phẩm của Nhà máy từ 300-350 nghìn đồng/tấn mang lại sức cạnh tranh cao nhất từ trước đến nay.
Có thể nói nhờ sự sáng tạo và quyết tâm, Nhà máy không chỉ tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp đơn vị quay trở lại sản xuất và tạo việc làm ổn định cho hằng trăm người lao động. Theo đó, tính đến hết tháng 12, Nhà máy dự kiến sản xuất và tiêu thụ được khoảng 70.000 tấn thép hình. Mặc dù chỉ đạt 70% kế hoạch năm, thế nhưng trong điều kiện phải dừng hoạt động 3 tháng và tự nâng cao năng lực sản xuất bằng dây chuyền hệ thống lạc hậu thì đây đã là một sự thành công đối với đơn vị.