Làng nghề hối hả vào vụ Tết

11:50, 24/12/2018

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân cao hơn ngày thường. Nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh cũng đang chuẩn bị nguyên liệu, hàng hóa, sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Một trong những món ăn không thể thiếu trong những mâm cỗ mỗi dịp Tết đến Xuân về là bánh chưng. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu chia sẻ: Làm bánh chưng là nghề truyền thống của chúng tôi, có từ thời cha ông để lại. Qua thời gian, người này truyền cho người kia, đến nay, cả làng quanh năm “đỏ lửa”, ai cũng biết làm bánh. Vào dịp cuối năm, lượng bánh xuất bán tăng mạnh. Nếu như ngày thường, trung bình mỗi hộ dân trong Làng nghề cung cấp ra thị trường khoảng 100 chiếc bánh/hộ thì vào dịp giáp Tết Nguyên đán, số lượng bánh xuất bán có thể lên đến 2.000-3.000/hộ/ngày. Bởi vậy, ngay từ tháng 8 Âm lịch, các hộ dân trong Làng nghề đã tích trữ nếp, đỗ xanh cùng một số nguyên liệu khác, sẵn sàng cung ứng lượng bánh lớn ra thị trường. Ngoài bánh chưng xanh truyền thống, hiện nhiều cơ sở sản xuất tại Làng nghề đã cho ra đời các loại bánh với màu sắc đa dạng hơn từ các nguyên liệu tự nhiên như: Gấc, lá giềng, lá cẩm… Nhằm giữ uy tín và thương hiệu Làng nghề, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân nâng cao ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chú trọng về chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, người dân Làng nghề cho hay: Càng gần Tết, giá các nguyên liệu làm bánh khá đắt đỏ. Vì vậy, từ tháng trước tôi đã nhập gần 20 tấn gạo nếp từ Định Hóa để dự trữ cho dịp cuối năm, vừa để chủ động về nguyên liệu, vừa giữ giá bánh không bị đội lên quá cao. Các khâu chuẩn bị gần như được chúng tôi chuẩn bị dần từ nay đến đầu tháng 12 Âm lịch, tới lúc đó chỉ việc tập trung gói bánh. Hiện, gia đình tôi xuất bán khoảng 500 chiếc bánh chưng/ngày và dự kiến sẽ tăng từ 20-30% vào dịp cận Tết.

Tương tự, tại Làng nghề miến Việt Cường (Đồng Hỷ), hơn 40 hộ sản xuất đã tích trữ bột dong nguyên liệu từ 2-3 tháng trước do sản lượng miến tiêu thụ dịp cuối năm thường nhỉnh hơn ngày thường từ 10-15%.

Cùng với canh miến, bánh chưng, chén trà xanh nóng hổi cũng là loại thức uống không thể thiếu của người Việt trong ngày Tết. Với 216 làng nghề, làng nghề truyền thống, chiếm gần 90,8% tổng số làng nghề trên địa bàn tỉnh, nghề trồng và chế biến chè đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng quanh năm của người dân, đặc biệt vào dịp Tết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Nhâm, Trưởng  Làng nghề chè truyền thống xóm Lũng 2, xã Phú Lạc (Đại Từ) cho hay: Làng nghề được UBND tỉnh công nhận từ năm 2014. Hiện, chúng tôi có trên 120 hộ sản xuất, kinh doanh chè. Mỗi năm, Làng nghề xuất bán ra thị trường khoảng 120 tấn chè búp khô các loại với giá trung bình từ 200-220 nghìn đồng/kg. Dịp cuối năm, giá chè tăng cao hơn, hiện giá chè trung bình là 250-280 nghìn đồng/kg, dự kiến sẽ tăng lên 300-320 nghìn đồng/kg thời điểm cận Tết. Để có sản phẩm chất lượng phục vụ Tết, ngay từ đầu vụ, người dân đã chủ động chăm bón, tưới tiêu nhằm đảm bảo cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong sản xuất chè an toàn. Ngoài chú trọng chất lượng, nhiều hộ dân trong làng đã quan tâm đầu tư đến mẫu mã sản phẩm, có nhiều cải tiến về hình thức để phục vụ nhu cầu biếu, tặng của khách hàng.

Bên cạnh việc thưởng thức ẩm thực, thú chơi đào ngày Tết khiến Làng nghề hoa đào Cam Giá nhộn nhịp dịp cuối năm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm này, các nhà vườn trong Làng nghề, cây đào đã bắt đầu xuống lá, người dân đang tập trung cho việc tỉa cành, chăm sóc để đào hé nụ đúng dịp.

Là một trong những hộ trồng đào có tiếng của Làng nghề, chị Hoàng Thị Hòa, ở tổ 9, phường Cam Giá cho biết: Hiện, các hộ trong Làng nghề đang tiến hành tuốt lá để đào ra lộc, nụ Tết, thậm chí nhiều nhà đã tuốt xong lá từ 1 tuần nay. Do thời tiết thuận lợi nên các gốc đào rừng cổ thụ mới giâm sinh trưởng phát triển khá tốt, chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị ghép cành vào thời điểm này để phục vụ khách hàng chơi Tết năm sau. Với hơn 250 gốc đào, năm trước vườn hoa của gia đình tôi cho thu về 180 triệu đồng, năm nay, hy vọng đào ra hoa đúng vụ, cho thu nhập cao hơn năm ngoái. Theo các hộ trồng đào, hiện đã có khách hàng từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh tìm về Cam Giá để tham quan, khảo sát nhà vườn và đặt hàng trong dịp Tết.

Được biết, Làng nghề hoa đào Cam Giá có khoảng 300 hộ trồng đào với quy mô hơn 8,5ha. Những năm qua, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển các diện tích đất trồng màu kém hiệu quả, đất vườn để trồng đào, đem lại thu nhập cao. Nhờ bán hoa vào dịp Tết, nhiều hộ đã vươn lên khá giả.

Cũng giống như các làng nghề nói trên, tại hơn 230 làng nghề, làng nghề truyền thống còn lại trên địa bàn tỉnh với các nghề làm bún, tương nếp, đồ gỗ mỹ nghệ, sinh vật cảnh…, không khí chuẩn bị, sản xuất hàng hóa diễn ra khá tất bật. Người dân tại các làng nghề đang tranh thủ thời tiết, triển khai kế hoạch sản xuất hợp lý để có đủ lượng sản phẩm cung ứng phục vụ thị trường Tết. Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân mà sản phẩm phong phú, độc đáo đến từ các làng nghề còn đem lại hương vị đậm đà, ấm cúng cho mỗi người, mỗi nhà trong dịp Tết đến Xuân về.