Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do thiếu phương án, dự án vay vốn khả thi, không có tài sản thế chấp… đã khiến nhiều HTX khó tiếp cận với các tổ chức tín dụng.
HTX Nông nghiệp bền vững Đại Từ, ở xã Phú Cường (Đại Từ) được thành lập từ tháng 12-2017, với 15 thành viên, vốn điều lệ trên 1 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất chính của HTX là trồng chè hữu cơ, dược liệu và chăn nuôi gà bằng giun quế trên tổng diện tích 5ha. Ngay từ khi mới thành lập, HTX đã xác định hướng đi là ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, nguồn vốn đầu tư của HTX là do các thành viên đóng góp bằng tiền mặt và đất đai. Nhằm khép kín các khâu sản xuất, HTX có ý định xây dựng nhà xưởng chế biến, đóng gói chè tập trung với diện tích ước tính khoảng 500m2.
Anh Trương Quang Thiều, Giám đốc HTX cho hay: Chúng tôi đang lúng túng không biết tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển HTX từ đâu. Nếu vay ngân hàng thì phải thế chấp tài sản nhưng thực tế đất đai sử dụng là của các xã viên góp lại và trang thiết bị, máy móc thì cũng chẳng đáng là bao trong khi đầu tư mở rộng kinh doanh cho HTX lại cần đến một khoản tiền lớn.
Không chỉ là rào cản đối với các HTX mới thành lập, nhiều HTX hoạt động thường xuyên trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khi tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng. Anh Nguyễn Văn Biển, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp, chăn nuôi, trồng trọt Phấn Mễ (Phú Lương) chia sẻ: Năm 2017, HTX có gần 4.000 con gà đẻ trứng, 40 con lợn thịt, cùng gần 800m2 chuồng nuôi giun quế làm thức ăn chăn nuôi. Song giá lợn sụt giảm mạnh vào dịp cuối năm đã khiến HTX bị thua lỗ gần 150 triệu đồng. Năm 2018, HTX đầu tư thêm 700m2 diện tích nhà lưới đề trồng hoa các loại. Do nguồn vốn hạn hẹp nên việc đầu tư khá dè chừng, phần lớn lợi nhuận được sử dụng để quay vòng vốn, khu vực chuồng trại chăn nuôi hiện để trống chờ tái đàn. Được biết, HTX chỉ có tài sản chung duy nhất là một gian trụ sở tại xóm Bò 1, xã Phấn Mễ với diện tích 48m2, nếu dùng để thế chấp vay vốn cũng không được nhiều. Do vậy, năm 2016, Giám đốc HTX đã sử dụng sổ đỏ diện tích đất 2ha của cá nhân để thế chấp vay 300 triệu đồng cho HTX tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, lãi suất 0,97%/năm.
Thực trạng nói trên là khó khăn chung của không ít HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều rào cản khiến các HTX khó tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng, trong đó chủ yếu là bởi HTX thiếu tài sản thế chấp, cầm cố để đảm bảo cho khoản vay; hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, hoặc chưa xây dựng được phương án kinh doanh khả thi để thuyết phục ngân hàng và các tổ chức tín dụng; tỷ lệ rủi ro cao, đặc biệt là rủi ro trong nông nghiệp do điều kiện thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…
Mặt khác, hiện nay, các HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012 chủ yếu thực hiện các dịch vụ đầu vào, đầu ra, là đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, do vậy, không phải HTX nào cũng có tài sản chung để thế chấp. Ngoài những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ bản thân các HTX, theo bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thì còn do yếu tố khách quan, đó là các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề phát triển kinh tế tập thể, HTX. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nhiều yêu cầu cao về điều kiện cho vay. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Để vay vốn từ ngân hàng các HTX cần có đầy đủ các điều kiện, đó là: Minh bạch tài chính, vốn tự có tham gia, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tài sản đảm bảo.
Qua khảo sát của chúng tôi, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả là yếu tố thiếu ở nhiều HTX, thêm vào đó, vẫn còn tồn tại một số HTX hoạt động mang tính hình thức, phương án sản xuất chưa rõ ràng do vậy chúng tôi chưa có đủ cơ sở để căn cứ cho vay. 6 tháng đầu năm 2018, số khách hàng là HTX còn dư nợ của Ngân hàng Nhà nước tỉnh có 50 đơn vị với doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đến nay là trên 560 tỷ đồng, trong đó, có 10 HTX nông nghiệp.
Bởi những nguyên nhân chủ quan và khách quan nói trên, số lượng HTX đủ các điều kiện vay vốn tín dụng chưa nhiều. Điều này đã khiến các HTX khó có điều kiện mở rộng sản xuất, mạnh dạn đầu tư, kéo theo thời gian tích lũy vốn để phát triển bị kéo dài. Để khắc phục tình trạng này, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng: Các HTX phải từng bước đổi mới mô hình hoạt động phù hợp, giải quyết được những hạn chế về nhân lực, xây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả năng áp dụng công nghệ; tăng cường nguồn lực vốn tự có của HTX để tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức; tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ; năng động hơn trong việc liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường ổn định cũng như tạo dựng niềm tin với các tổ chức tín dụng...