Trong nhiều năm trở lại đây, phần lớn người dân đã nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của rừng trong việc bảo vệ môi trường sống cũng như góp phần phát triển kinh tế. Họ đã ý thức hơn trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Song vẫn còn một bộ phận người dân vì lợi trước mắt mà chặt phá rừng. Để bảo vệ “lá phổi xanh” bền vững, ngành chức năng đã có nhiều giải pháp quan trọng và đạt được những hiệu quả nhất định.
Một ngày cuối năm, chúng tôi có chuyến thực tế tại xã Phúc Tân, một trong những xã có công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng tốt của T.X Phổ Yên. “Ở Phúc Tân, chúng tôi đã phủ xanh toàn bộ đất trống, đồi núi trọc. Người dân Phúc Tân đang giàu lên nhờ trồng rừng”. Chỉ một câu nói của ông Trần Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã đã nói lên ý thức, trách nhiệm của người dân ở đây trong việc trồng rừng. Điều đáng mừng là không chỉ người dân ở Phúc Tân mà nhiều địa phương chúng tôi đến đều có ý thức, trách nhiệm trong vấn đề này.
Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của chính mỗi người dân trong công tác trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng thì vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành chức cũng không kém phần quan trọng. Năm qua, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý diện tích rừng hiện có, đồng thời thực hiện các dự án, chương trình nhằm phát triển rừng trên địa bàn. Trong đó, Chi cục đang thực hiện Dự án “Rà soát, điều chỉnh rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên”. Dự án có mục tiêu rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát huy hiệu quả nhất diện tích rừng trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được tăng cường thực hiện. Bên cạnh việc tổ chức ký kết phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, Chi cục Kiểm lâm còn thực hiện cấp phát các phương tiện, thiết bị, công cụ PCCCR cho các địa phương; tổ chức diễn tập chữa cháy rừng, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về công tác PCCCR bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, phát trên loa truyền thanh của xóm, phát tờ rơi, xây dựng các biển cảnh báo cháy rừng, biển tuyên truyền về bảo vệ rừng; tổ chức trực 24/24h trong thời kỳ cao điểm cháy rừng…
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm cũng đang xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống đường băng cản lửa PCCCR, vận xuất, vận chuyển lâm sản giai đoạn 2018-2020” để chủ động trong công tác PCCCR, hạn chế thiệt hại thấp nhất khi có sự cố xảy ra. Với sự chủ động đó, phần lớn các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh đều được phát hiện sớm và dập tắt kịp thời đám cháy, không gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, công tác bảo vệ chống mất rừng, suy thoái rừng cũng được chú trọng thực hiện. Lực lượng kiểm lâm chủ động xây dựng phương án tổ chức kiểm tra, truy quét trên toàn tỉnh để phát hiện, triệt phá và xử lý các vụ việc lấn chiếm rừng, phá rừng, các đường dây, “đầu nậu” khai thác, vận chuyển và tiêu thụ lâm sản trái pháp luật; rà soát, xác định rõ tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Duy trì thường xuyên việc kiểm tra tại các khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, bị phá, khai thác lâm sản trái pháp luật, đặc biệt khu vực giáp ranh giữa tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn.
Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chức năng với các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững nên các chỉ tiêu về lâm nghiệp năm 2018 đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 465 tỷ đồng; độ che phủ rừng được duy trì ổn định trên 50%; số vụ cháy rừng và số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đều giảm so với năm 2017. Công tác quản lý bảo vệ rừng và khai thác lâm sản được thực hiện tốt từ cơ sở nhất là vai trò trách nhiệm của chủ rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2019, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng; tổ chức thực hiện đạt hiệu quả các đề án, dự án như: Đề án Phát triển hệ thống đường băng cản lửa PCCCR, vận xuất, vận chuyển lâm sản giai đoạn 2016-2020; Dự án Trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng thay thế nương rẫy tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020; Đề án xác lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan hồ Núi Cốc; Dự án Điều chỉnh ranh giới diện tích Vườn Quốc gia Tam Đảo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Dự án Rà soát, điều chỉnh rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên...
Mùa Xuân đã về mang theo hơi ấm và những giọt mưa bụi đủ để cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi. Chúng tôi mang theo cả niềm tin và hy vọng về một môi trường sống ngày càng được cải thiện, trong lành hơn; mang theo hy vọng về sự đổi mới của nhiều địa phương nhờ biết phát huy thế mạnh của kinh tế đồi rừng… Có được những điều đó, trong mỗi chúng ta không thể không nhớ tới và biết ơn sự nhiệt tâm, nhiệt tình, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức của những người cán bộ kiểm lâm, những người làm trong ngành Lâm nghiệp… đã góp phần bảo vệ màu xanh của rừng...