Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết Trung ương 7), kinh tế - xã hội ở huyện miền núi Định Hóa đã có bước phát triển rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân ngày càng được nâng lên. Đây được xem là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục tạo nên những bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thời gian tới.
Trở lại xã Kim Phượng (Định Hóa) một ngày đầu năm nay, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự “thay da đổi thịt” ở xã miền núi khó khăn này. Những con đường lầy lội trước kia, đến nay đã được đổ bê tông toàn bộ, giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hóa nông sản của bà con nhân dân thuận tiện hơn. Cùng với đó, nhiều ngôi nhà khang trang mới được xây dựng, đường điện lưới quốc gia kéo về khắp các xóm… Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân ở đây vui mừng cho biết: Từ khi xã triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), các công trình kết cấu hạ tầng (như đường giao thông, trường học, trạm y tế, đường điện...) trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm được Nhà nước quan tâm hỗ trợ phát triển; những cánh đồng chuyên canh được hình thành giúp tăng năng suất các loại cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, nhờ đó cuộc sống của bà con từng bước được nâng lên…
Cũng giống như xã Kim Phượng, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 đã và đang mang đến luồng sinh khí mới, góp phần thay đổi diện mạo của các vùng nông thôn trên địa bàn huyện Định Hóa. Theo thống kê, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, từ năm 2008 đến nay huyện Định Hóa đã huy động được trên 3.687 tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Từ những nguồn vốn này, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, đến nay, 100% các xã đã có đường nhựa hoặc đường bê tông đến trung tâm xã; các thôn, xóm đều có đường đi lại thuận tiện. Cùng với đó, hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất cũng được quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp. Hiện nay, toàn huyện có 142 công trình hồ, đập, trạm bơm và 530km kênh mương, trong đó có 225km được kiên cố hóa; tỷ lệ tưới, tiêu đạt 88,3%, tăng 3,1% so với năm 2010, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng và hiệu quả đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống điện nông thôn được quan tâm cải tạo, nâng cấp cơ bản đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hiện nay, 100% số hộ trên địa bàn huyện đã được sử dụng điện lưới Quốc gia… Với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm dành cho Chương trình XDNTM, tính đến hết năm 2018, toàn huyện có 7/23 xã đạt chuẩn NTM. Nếu như năm 2011, các xã trên địa bàn huyện chỉ đạt bình quân 2,5 tiêu chí thì nay không còn xã nào đạt dưới 11 tiêu chí...
Cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, huyện Định Hóa còn tập trung triển khai các giải pháp, đề án cụ thể nhằm giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thay đổi diện mạo nông thôn.
Trong lĩnh vực trồng trọt, xác định cây lúa, cây chè là cây trồng chủ lực, huyện đã quan tâm hỗ trợ người dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa những loại cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ đó, kết quả sản lượng lương thực của huyện hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2018, tổng sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn đạt 51.013 tấn, tăng 1,2 lần so với năm 2008; tổng diện tích chè đạt 2.561ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 2.180ha; năng suất bình quân đạt 109 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt 23.784 tấn/năm, tăng 1,4 lần so với năm 2008. Việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè sạch, chè an toàn theo tiêu chuẩn ViêtGAP tại các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tiếp tục được quan tâm, duy trì và phát triển, đã hình thành vùng chè tập trung tại các xã Trung Lương, Trung Hội, Bình Thành, Sơn Phú, Điềm Mặc, Phú Đình, Bộc Nhiêu, Thanh Định…
Trong chăn nuôi, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển chăn nuôi theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Hiện nay, huyện đang tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc với tổng đàn trâu, bò hơn 10.000 con. Toàn huyện có 15 trang trại và 140 gia trại chăn nuôi. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2018 đạt 7.510 tấn, tăng 1,5 lần so với năm 2008…
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy Định Hóa cho biết: Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống của người nông dân trên địa bàn huyện. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra, huyện sẽ tập trung tuyên truyền, vận động sâu rộng để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại; thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa…