Có dịp trở lại bản Cà Đơ, xã Lam Vỹ (Định Hóa) vào một ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chúng tôi thật sự bất ngờ trước những đổi thay của đồng bào nơi đây. Nằm cách trung tâm xã khoảng 8m, Cà Đơ nằm lọt thỏm giữa thung lung bao quanh là những dãy núi trùng điệp. Bản chỉ có 18 hộ dân với 72 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Dao. Đến Cà Đơ lần này, người tôi tìm gặp đầu tiên là Trưởng bản Triệu Văn Đạo.
Ông Đạo tâm sự: “Tết năm nay dân bản ăn Tết to hơn mọi năm, bởi cuộc sống của bà con đã khá hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Giờ đồng bào đã sống định canh, định cư, biết trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn gà, ngan, vịt để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống…
Còn nhớ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, gần chục hộ dân người Dao đã di cư từ Cao Bằng đến mảnh đất này sinh sống. Ngày đó, đồng bào còn sống du canh, du cư với những phong tục tập quán lạc hậu. Vì thế mà cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở địa phương đã tuyên truyền, vận động đồng bào định canh, định cư, tích cực đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con.
Để giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, chính quyền địa phương đã vận động bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước. Ngoài ra, Đảng ủy xã Lam Vỹ còn tranh thủ từ các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất. Hằng năm, xã đều chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội để tạo điều kiện cho bà con trong bản được vay vốn phát triển kinh tế. Tư duy, nếp nghĩ, cách làm của bà con trong bản từng bước được thay đổi. Hiện nay, sau khi tư bỏ cuộc sống du canh, du cư, các hộ gia đình trong bản đã nhận giao khoán trên 50ha rừng. Cùng với đó, những loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương như: trâu, bò, dê, ngan, vịt… cũng được bà con đưa vào chăn nuôi. Trong bản hiện có 15 hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn gần 60 con.
Gia đình ông Triệu Văn Tài là một trong những hộ chăn nuôi nhiều nhất bản với 5 con trâu, 10 con lợn và gần 1 trăm con gà, vịt. Ông chia sẻ: Lúc mới về định cư ở bản Cà Đơ này, gia đình mình chỉ biết sống nhờ vào rừng núi, quanh năm đi lấy măng rừng, săn con chim, bẫy con thú để sinh sống cho qua ngày chứ không biết làm kinh tế như bây giờ. Được các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ, mình đã biết trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống. Hiện cuộc sống của gia đình mình đã tốt hơn rất nhiều so với trước.
Cùng với việc phát triển chăn nuôi, những năm gần đây, người dân trong bản đã chuyển dần từ sản xuất trên nương xuống sản xuất dưới ruộng. Trong đó, tập trung đẩy mạnh khai hoang ruộng lúa nước, tăng dần diện tích canh tác 2 vụ. hiện nay, diện tích canh tác lúa 2 vụ của người dân đã tăng lên gần 3ha (trước đây chỉ có 1ha cấy lúa 2 vụ). Cùng với đó, các giống lúa lai và lúa thuần chất lượng cao như: J02; Thiên ưu, Khang dân 18… cũng được bà con đưa vào gieo cấy thay thế cho giống lúa địa phương năng suất thấp. Nhờ vậy mà năng suất lúa của bà con ngày càng tăng. Nếu như trước đây, bà con cấy lúa nương chỉ cho năng suất vài chục kg/sào thì nay, giống lúa lai và lúa thuần chất lượng cao cho năng suất gần 2 tạ/sào. Giờ đây, bà con không còn nỗi lo thiếu lương thực mỗi khi giáp hạt. Cuối vụ, nhà nào nhà nấy lúa, ngô đều chất đầy bồ…
Nhờ tích cực phát triển sản xuất, đời sống kinh tế của người dân bản Cà Đơ ngày càng được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là từ sau khi có điện lưới Quốc gia vào cuối năm 2015. Minh chứng rõ nhất cho cuộc sống ấm no là mức thu nhập bình quân đầu của người dân hiện đã đạt 16 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Ở Cà Đơ bây giờ, hầu hết các gia đình đã có tivi, xe máy. Nhiều hộ còn mua được tủ lạnh, khoan giếng để dùng thay thế cho nguồn nước suối trước kia. 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm từ 100% xuống còn 43% (năm 2018). Nếu như trước kia, trẻ em trong bản hầu hết không được đến trường thì nay, điểm Trường Tiểu học Cà Đơ đã được xây dựng ngay tại trung tâm xóm. Con em đồng bào trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường. Cùng với đó, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong bản đang được khơi dậy. Bà con luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực lao động sản xuất, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.
Cuộc sống được nâng lên nên những cái Tết ở Cà Đơ cũng dần sung túc hơn. Những ngày này, khi “ngô đã đầy bồ, thóc đã hong khô”, bà con có thể yên tâm gác lại công việc đồng áng để tất bật chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất, đầm ấm. Chia tay bản Cà Đơ khi thời khắc đón năm mới đã đến gần, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống ấm no trong từng mái nhà của người dân nơi đây. Vượt qua quãng đường đất gập ghềnh hơn 3km, chúng tôi mới ra được con đường lớn. Tuyến đường từ bản ra đường lớn tuy chưa được đổ bê tông nhưng đã được mở rộng từ hơn 1 mét lên gần 5 mét giúp cho việc đi lại của bà con được thuận lợi hơn.
Mùa Xuân nữa đã, chúng tôi hy vọng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của bà con dân bản, không xa nữa, Cà Đơ sẽ trở thành điểm sáng trong cộng đồng các dân tộc ở huyện miền núi Định Hóa.